TS. Nguyễn Đình Cung: Kinh tế tư nhân từ chỗ bị ‘hắt hủi’ đã trở thành lực lượng nòng cốt

author 11:06 06/10/2019

(VietQ.vn) - Kinh tế tư nhân từ chỗ bị hắt hủi, tới nay đã được xác định trở thành lực lượng chủ đạo của nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách cho kinh tế tư nhân tới nay đã tới hạn, khi chúng ta vừa cần nó, vừa thích nó lại vừa luôn muốn kiểm toả nó…

Hiện nay, kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và hộ kinh doanh cá thể. Quan niệm kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế” cho thấy bước đột phá về nhận thức của Đảng ta so với giai đoạn trước, khi chỉ coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế.

Nhận định về vấn đề trên, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, kinh tế tư nhân từ chỗ bị hắt hủi, tới nay đã được xác định trở thành lực lượng chủ đạo của nền kinh tế. Tuy nhiên, ông cho rằng chính sách cho nó tới nay đã tới hạn, khi chúng ta vừa cần nó, vừa thích nó lại vừa luôn muốn kiểm toả nó.

 TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM).

"Chúng ta hay nói về quyền tự do kinh doanh, nhưng rõ ràng là gần như không có cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp một cách hiệu quả, khi mà một doanh nghiệp có thể đóng cửa chỉ vì một quyết định hành chính, dẫn tới cộng đồng doanh nghiệp không cảm thấy an toàn. Thể chế kinh tế của Việt Nam, tôi cho rằng, như đứa trẻ lớn nhanh và đã chạm trần. Phải đục, phá bỏ trần đó đi thì mới lớn lên được", vị chuyên gia nói.

Bởi vậy, ông cho rằng đừng nói chuyện 4 chấm, 5 chấm gì cả, bởi thể chế nếu không thay đổi, đang theo hướng kìm hãm sự phát triển, sáng tạo của doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thừa nhận, chúng ta tuyên truyền phát triển nhà nước kiến tạo, song nội hàm của nó đã đúng là kiến tạo hay chưa. Ông cho rằng thị trường cạnh tranh bình đẳng mà Việt Nam đang theo đuổi, lại là bất bình đẳng với các doanh nghiệp của chúng ta.

Cũng theo ông, khi các hiệp định thương mại liên tục được ký kết khiến các doanh nghiệp nội trở nên mỏng manh, gần như không có tính kháng cự trước làn sóng doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, đa quốc gia. Lúc này, vai trò che chắn của nhà nước phải được phát huy, phải tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nội.

Tất cả các nước Đông Bắc Á đều thành công nhờ đi theo con đường này. Khi đã đủ mạnh, họ mở dần nền kinh tế và các doanh nghiệp của họ hưởng lợi lớn từ chiến lược đó. Với Việt Nam, dư địa cho khối doanh nghiệp trong nước đang ngày càng hẹp dần sau 15-16 hiệp định thương mại tự do được ký kết.

"Lúc này, chúng ta phải có đội ngũ hành chính công vụ tinh hoa và minh bạch để đủ năng lực lựa chọn những ngõ hẹp cuối cùng trong hệ thống pháp luật, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp nội. Nhưng rõ ràng là với thể chế hiện nay, chúng ta không có được", nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói thêm.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Muốn phát triển kinh tế tư nhân phải thúc đẩy PPP(VietQ.vn) - Để thu hút tốt hơn nguồn lực của khối kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế xã hội, giúp thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) cần có các giải pháp thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP)…

Thanh Minh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang