Cảnh báo: Tử vong vì ăn cua biển lạ, màu sắc sặc rỡ

author 15:02 26/09/2017

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia, ngoài các loại cua ăn được thì cũng có rất nhiều loại cua biển có thể gây tử vong nếu ăn phải.

TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam trước đó đã thông tin trên báo Dân trí, trong một số loại cua biển, thường là loại cua lạ, màu sắc sặc sỡ, có thể chứa các độc tố chết người saxitonin và tetrodotoxin, độc tố thường ở trong thịt, trứng, nhiều nhất là thịt càng và chân cua. Đây là những độc tố thần kinh, tim mạch, gây tử vong cao khi bị ngộ độc.

Saxitoxin được các tảo đỏ và vi khuẩn ký sinh trong đó tổng hợp ra. Khi những con sò, ốc, tôm ăn phải chúng sẽ nhiễm các chất độc saxitoxin này (saxitoxin, neosaxitoxin, gonyautoxin và carbamoyl saxitoxin). Đến lượt các con cua biển “lạ”, thường sống xa bờ ăn phải nó sẽ bị nhiễm độc saxitoxin.

Cua mặt quỷ là một trong những loài cua cực kỳ độc. Ảnh: Dân trí

Cua mặt quỷ là một trong những loài cua cực kỳ độc. Ảnh: Dân trí 

Tetrodotoxin là độc tố phát hiện nhiều nhất ở cá nóc, nhưng cũng hiện diện ở một số loài thủy sinh khác như bạch tuộc xanh, sa giông da nhám, ốc mặt trăng… Một điều thú vị là các độc tố tetraodotoxin này do các vi khuẩn cộng sinh (symbiotic bacteria), chủ yếu là nhóm Pseudomonas và Vibrio tổng hợp ra. Và cua sẽ nhiễm chất độc khi ăn các món này. Do đó nếu ai ăn phải sẽ có thể tử vong.

Trước đó, người dân ở phường Mân Thái (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) bàng hoàng trước cái chết bất ngờ của ông Phan Văn C (SN 1962, trú tổ 19A, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) vì... ăn cua lạ.

Cụ thể, anh ruột ông C. cho biết, sáng 14/4 vừa qua, ông C đi ra phía biển gần nhà kéo lưới và bắt về được một vài con cua có màu sắc rất sặc sỡ, lạ mắt. Chiều cùng ngày, ông C luộc mấy con cua này lên ăn. Sau khi ăn xong, ông cảm thấy trong người mệt mỏi và đi ngủ. Đến chiều tối, ông C tỉnh giấc và bị nôn mửa liên tục. Người thân phát hiện và đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định, ông C bị trúng độc sau khi ăn cua lạ. Đây là một ca bệnh nặng nên các bác sĩ đã phải siêu lọc máu và bệnh nhân được chuyển đi cấp cứu tại đơn vị điều trị tích cực (ICU) của Bệnh viện Đà Nẵng. Nhưng không may, bệnh quá nặng nên ông C đã tử vong.

BS Trần Bá Thoại khuyến cáo: “Thiên nhiên vốn kỳ thú, bông hồng đẹp thường có gai, con vật đẹp, màu sặc sỡ thường hay chứa độc tố. Cũng như nấm độc, cóc nhái độc thường có màu sắc đẹp hơn con bình thường. Với cua cũng thế, người dân nên tránh những con có hình thù kỳ quái, màu sắc sặc sỡ,...".

Cua mặt quỷ

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, cua mặt quỷ là loại cua có độc phổ biến ở vùng biển nước ta, sinh sống ở vùng biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu, thường gặp ở các rạn cạn, vùng triều thấp.

Một người chỉ cần ăn khoảng 0,5g (1 thìa cà phê) thịt càng cua loại này là có thể bị ngộ độc thần kinh, dẫn đến tử vong. Độc tố trong cua mặt quỷ chủ yếu là Saxitonin, nằm ở thịt, trứng cua, nhiều nhất là thịt càng và chân cua.

Cua đá biển

Cua đá biển là một loài cua đất lớn thuộc chi Gecarcoidea, có vỏ màu tím sậm, chân dài và càng ngắn. Chúng là loài động vật ăn đêm, ban ngày trú ẩn trong các hang đào. Thức ăn chủ yếu của cua đá biển là các loại thực vật. Cua đá biển khi chín thì chuyển sang màu gạch.

Cua đá biển cũng nằm trong danh sách loài cua độc. Ảnh: Vietnamnet

Cua đá biển cũng nằm trong danh sách loài cua độc. Ảnh: Vietnamnet 

Cua hạt

Cua hạt cũng là loại cua chứa chất độc nguy hiểm như cua mặt quỷ. Vỏ đầu ngực của chúng có dạng nửa vòng tròn, dài nhất khoảng 30mm, rộng nhất khoảng 40mm, được phủ kín bởi các u lồi dạng hạt.

Cua sống có màu xanh lá cây đậm hơi vàng, đôi khi màu nâu vàng hoặc hơi đỏ tía.Đốt ngón các chân kìm có màu đen. Loại cua hạt thường được tìm thấy trên rạn san hô sống, ở độ sâu khoảng 3m, tại Hòn Tằm - Nha Trang.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang