Tương truyền về núi Bài Thơ

author 06:43 22/11/2015

(VietQ.vn) - Tương truyền, xưa lính thú gác trên núi Bài Thơ, hễ có giặc giã đến thì đốt lửa bằng phân sói, hun khói trên đỉnh núi báo về kinh thành…

Núi Bài Thơ nằm trung tâm thành phố Hạ Long. Từ khu du lịch Bãi Cháy nhìn sang Hòn Gai, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy ngọn cờ tổ quốc khổ lớn quanh năm tung bay trên đỉnh núi. Vào thành phố để leo lên núi Bài Thơ, du khách có thể đi bằng hai đường. Một là lên từ phố Long Tiên, ngõ đi bên cạnh chùa Long Tiên, hai là đi từ phố Hàng Nồi, đi qua con ngõ nhỏ của nhà dân để vào đường lên núi. Nhiều người chọn đi theo hướng thứ hai này. Phương tiện xe máy hoặc ô tô có thể gửi tại chợ Hạ Long hoặc sân Cây Tháp, đối diện gần đường leo lên núi.

Núi Bài Thơ Hạ Long

 PGS.TS. Đinh Thị Vân Chi (người giữa) và học viên lớp cao học Quản lý văn hóa K2, trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương trong 1 chuyến điền dã văn hóa trên núi Bài Thơ  

Đã lâu lắm, chúng tôi mới lại sắp xếp thời gian để làm chuyến “phượt” núi Bài Thơ. Thực sự, những người dân địa phương như chúng tôi, điều đó cũng vô cùng hấp dẫn và không kém phần hồi hộp. Chuẩn bị cho chuyến đi, cũng giày tất, áo mũ, nước uống, rồi máy ảnh, điện thoại cồng kềnh. Vào khoảng năm 1992-1993, khi chúng tôi còn là sinh viên của trường Văn hóa Nghệ thuật Quảng Ninh, trong môn học “lịch sử Quảng Ninh” chúng tôi đã được thầy Đỗ Đăng Đường dẫn các trò leo núi. Bấy giờ, từ trên cao nhìn toàn cảnh thị xã Hòn Gai nhỏ xinh đã thấy đẹp mê mẩn lắm rồi. Bây giờ, nhìn từ đỉnh núi Bài Thơ, toàn cảnh thành phố đã rộng dài ra rất nhiều so với trước. 

Núi Bài Thơ có đỉnh cao nhất hình ngọn mác chĩa lên trời, cốt dương cao 168 m (nguồn của Tổng Cục du lịch thì ghi núi có độ cao là 200m). Phía dưới một chút có nhiều ngọn, nhiều mỏm chông chênh. Đường leo lên núi giờ nhiều người đi nên không còn quá hoang sơ như những năm xưa khi chúng tôi cùng thầy giáo của mình lên núi. Các vách đá dựng đứng, những lèn đá tai mèo dọc đường leo lên núi đã góp phần làm cho núi Bài Thơ thêm vẻ huyền bí, thâm trầm. Thi thoảng trên đường leo lên núi, chúng tôi lại gặp một vài con dê của người dân nuôi thả kêu hoang dại. Nhớ lại hồi xưa khi chúng tôi cùng thầy giáo của mình leo núi, trên ngọn núi này thi thoảng vẫn còn có vài chú khỉ leo trèo, nhảy nhót. Giờ thì người dân quanh núi khẳng định là không còn con khỉ nào  sống ở đây nữa. Có lẽ do tốc độ đô thị hóa nhanh, hoặc vì một lý do nào đó mà khỉ đã “bỏ” Bài Thơ ra các đảo đá hoang sơ khác trên vịnh Hạ Long...

Núi Bài Thở ở Hạ Long

Đứng hiên ngang là tấm bia đá khắc lịch sử của ngọn núi: “Từ đỉnh núi này, hàng ngàn năm trước đã là vọng gác trọng yếu vùng biên ải Đông Bắc của Tổ quốc. Đêm đêm lính canh đốt đèn báo hiệu, chỉ đường cho thuyền bè cập bến, khi có giặc thì đốt lửa báo tin về kinh đô. Dân gian gọi là núi Dọi Đèn (Truyền Đăng)”...

Theo thầy chúng tôi, núi Bài Thơ thuở xưa có tên núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng Sơn. Tương truyền, xưa lính thú gác trên núi, hễ có giặc giã đến thì đốt lửa bằng phân sói, hun khói trên đỉnh núi báo về kinh thành. Thầy giải thích, cách truyền tin khi xưa, khói hun lên được “truyền” vào đỉnh Yên Tử, rồi cứ thế truyền tiếp tin đi. Có lẽ vì thế mà trong bài thơ được khắc trên vách núi bản dịch thơ của Trần Nhuận Minh có nhắc đến chữ “khói lang bay” trong câu “Đế Chủ điệp trùng quân hổ mạnh/Hải Đông đã tắt khói lang bay” (?!). Và cũng từ đó núi này xuất hiện tên núi Truyền Đăng. Giờ thì trên đỉnh núi Bài Thơ đã có trạm thu phát sóng điện đài hiện đại để truyền tin rồi!

Theo sử sách ghi chép, năm 1468, vào dịp mùa xuân, năm Quang Thuận thứ 9, đời vua Lê Thánh Tông, cháu nội của Lê Lợi, đưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, đã cho dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long, để uống rượu ngâm thơ.  Trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá gồm 56 chữ Hán. Vào năm 1729 chúa An Đô Vương Trịnh Cương, một nhà thơ có tiếng thời Lê - Trịnh, cũng đem quân đi tuần qua đây. Ông cho đóng quân đồn trú dưới chân núi Truyền Đăng. Đọc thấy bài thơ của vua Lê Thánh Tông, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú. Đến đầu thế kỷ 20 nhiều tao nhân, mặc khách đi du ngoạn qua vùng Hạ Long, gặp bài thơ này lại cho khắc thêm 7 bài thơ nữa, có bài chữ Hán, có bài chữ Quốc ngữ trên những vách đá lân cận nâng tổng số lên 9 bài thơ còn lưu truyền đến ngày nay. Con đường bao biển được xây dựng cách đây mấy năm, đã “ôm” qua chân núi nên giờ du khách muốn xem bài thơ này của vua Lê Thánh Tông thuận tiện hơn nhiều so với trước.

chụp ảnh trên núi Bài Thơ

Tác giả chụp ảnh trên núi Bài Thơ

Trở lại hành trình leo núi Bài Thơ, tùy sức khỏe và độ hào hứng, vào “bạn đồng hành” của mỗi người mà thời gian leo đến đỉnh và xuống núi dài hay ngắn. Sáng leo lúc 8 giờ là khoảng thời gian đẹp nhất, 9 giờ lên đến đỉnh núi. Chụp ảnh lưu niệm, ngắm thành phố từ trên cao thỏa thích rồi xuống núi. Đến trưa, du khách có thể vào Vicom Center Hạ Long hoặc chợ Hạ Long gần chân núi nghỉ ngơi, ăn trưa, thưởng thức xôi với chả mực Hạ Long. Chiều có thể tiếp tục vãn cảnh chùa Long Tiên, đền thờ Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (con trai cả của Trần Quốc Tuấn, người có công lớn trong các cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của triều Trần, đặc biệt là quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba năm 1288), thăm quan vãn cảnh đền thờ vua Lê Thánh Tông (mới được xây dựng lưng chừng núi) đều trong quần thể cụm di tích núi Bài Thơ...Tiếp đó có thể sử dụng dịch vụ xe du lịch thăm quan thành phố tùy thích. Thêm một cung đường như thế khi đến với Hạ Long, tin rằng du khách sẽ thêm quý và yêu hơn mảnh đất vùng “phên giậu” giàu truyền thống văn hóa này.

Hữu Bình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang