Vì sao Bệnh viện bất ổn an ninh?

author 07:16 20/03/2014

(VietQ.vn) - Theo nhận định của các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn về an ninh trật tự trong bệnh viện. Một trong những nguyên nhân đó là nhận thức của xã hội về vấn đề này còn hạn chế.

Khó chữa bệnh “vô cảm” của người dân

Trong nhận thức của nhiều người, vấn đề an ninh trật tự bệnh viện thường không được quan tâm. Do đó, bệnh viện luôn trở thành nơi đông đúc, nhốn nháo, bệnh nhân, người nhà lo lắng, mệt mỏi, kẻ xấu thừa cơ hội trộm cắp, lừa đảo. Nhiều người dân khi vào viện chưa kịp chữa khỏi bệnh thì tiền bạc, tài sản và giấy tờ tùy thân đã “không cánh mà bay”, khiến cho gia đình lâm vào cảnh nghèo khó, cùng cực, gánh nặng bệnh tật nhân lên bởi gánh nặng về tiền bạc, nợ nần.

Tuy nhiên, người dân lại thờ ơ, bàng quang với tệ nạn trộm cắp, lừa đảo. Có không ít người tận mắt chứng kiến cảnh người khác bị “móc túi” nhưng vì sợ trả thù, sợ phiền phức, mất thời gian hoặc liên lụy tới bản thân nên dửng dưng, coi đó không phải việc của mình. Thực tế có rất ít người dân dám hành động quyết liệt để ngăn chặn hành vi trộm cắp.

Vụ án bắt cóc trẻ sơ sinh ở Bệnh viện C gây chấn động 

Bà Lê Thị Thủy, chuyên viên Vụ Các vấn đề xã hội – Ban Tuyên giáo Trung Ương cho biết, căn bệnh “vô cảm” đó không chỉ tồn tại trong một hoặc hai người mà nó còn tồn tại trong rất nhiều người như một thứ virus lây lan. Vì vậy, để thay đổi nhận thức dẫn tới thay đổi hành vi của xã hội trước vấn nạn này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng, chống chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, tăng cường các hình thức và hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo quản tài sản của người dân khi đến bệnh viện.

“Sự bất ổn về an ninh, trật tự trong bệnh viện không chỉ bởi nạn trộm cắp tài sản mà còn bởi hiện tượng một số bác sĩ cấu kết với “cò mồi” để lôi kéo bệnh nhân hoặc do bác sĩ tắc trách để xảy ra những sơ xuất đáng tiếc, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân bức xúc, kéo đến đập phá, bắt đền bệnh viện, hành hung bác sĩ”. Bà Thủy nhận định.

Trong thời gian gần đây, Ngành Y được đánh giá là một ngành có nhiều điểm “nóng”. “Nóng” không chỉ ở thái độ của bác sĩ, ở góc cạnh y đức, y nghiệp mà còn “nóng” ở thái độ và hành động của người dân. Nếu như bác sĩ và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đồng cảm với nhau hơn thì bệnh viện sẽ giảm đáng kể nhũng trường hợp mất an ninh, trật tự do đe dọa, hành hung bác sĩ.

Chính quyền địa phương thiếu quan tâm

Để đảm bảo an ninh bệnh viện, chỉ mình bệnh viện tự lo thì không xuể mà cần sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, nhận thức của người dân cũng hết sức quan trọng. Tuy nhiên, theo GS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, chính quyền địa phương hầu như nghĩ công việc trong hàng rào là việc của bệnh viện nên ít quan tâm giúp đỡ.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Thị Thủy cho biết, việc phân bổ ngân sách của địa phương và đầu tư trang thiết bị để tăng cường công tác đảm bảo an ninh bệnh viện hầu như không có, đa phần các bệnh viện đều phải tư trang bị theo khả năng hiện có của viện. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tính đến thời điểm hiện nay chưa đầy đủ, chưa đồng bộ.

Trong các văn bản pháp quy đã được ban hành, số lượng văn bản, điều khoản quy định về việc thắt chặt an ninh, trật tự trong khu vực bệnh viện, bảo vệ tài sản, sức khỏe, tính mạng của người bác sĩ rất ít và không cụ thể. Vì vậy, để tình trạng an ninh, bệnh viện được đảm bảo cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần có sự hậu thuẫn tích cực cho công tác bảo vệ an ninh bệnh viện trên địa bàn.

Phần lớn vụ mất an ninh, trật tự bệnh viện là do bức xúc của người dân với trình độ chuyên môn, thái độ, y đức của đội ngũ bác sĩ. Điều này đã được thể hiện rất rõ qua các phản ánh của người dân vào “Đường dây nóng” do Bộ Y tế thiết lập tại các bệnh viện. Trên thực tế, “Đường dây nóng” đã có những đóng góp không nhỏ trong việc quản lý, giám sát của Lãnh đạo ngành đối với quá trình thực hiện công tác khám, chữa bệnh của nhân viên y tế. Do đó, ngành Y tế cần tích cực chấn chính và “xốc” lại đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên trong toàn Ngành và đưa ra quy định xử phạt nghiêm khắc đối với cán bộ vi phạm.

“Song đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, còn rất nhiều cán bộ, nhân viên y tế tâm huyết với nghề. Để thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về những người làm nghề thầy thuốc theo chiều hướng thiện cảm, củng cố niềm tin của người dân, Ngành Y tế nên đẩy mạnh tuyên truyền, vinh danh những bác sĩ tận tâm với nghề, những bác sĩ đang thầm lặng đóng góp cống hiến cho nền y học nước nhà. Xã hội cần hiểu và thông cảm với những vất vả, áp lực, nguy hiểm mà các bác sĩ ngày đêm phải đối mặt”, bà Thủy đưa ra giải pháp. (Còn nữa)


Thanh Sơn - Mai Tuân

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang