Vũ Trọng Thư và ước mơ chế tạo vệ tinh

author 00:48 12/04/2012

Thời điểm Vũ Trọng Thư, trưởng phòng nghiên cứu không gian (FSpace), Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, được xướng tên là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2011, tôi không bất ngờ.

 Anh chính là “chủ xị”của dự án chế tạo vệ tinh nhỏ F-1, ý tưởng chế tạo chùm vệ tinh nhỏ cảnh báo cháy rừng sớm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão...

Vũ Trọng Thư 

Không thiết thực, đừng làm còn hơn

Ngay bắt đầu cuộc trò chuyện với anh, tôi hỏi thẳng: Anh có nghĩ những nghiên cứu của mình từ chế tạo vệ tinh nhỏ đến công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa... đều thuộc loại vĩ mô, sản phẩm khó mà bán được ở ngoài thị trường?

“Khi làm việc tôi luôn đặt câu hỏi: khả năng nghiên cứu của mình đến đâu, có ứng dụng gì cho xã hội? đem lại lợi ích gì cho con người?

Tôi chưa bao giờ nản cũng chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Ở tuổi 30, tôi nghĩ mình còn rất nhiều việc phải làm."

Đáp trả lại tôi, anh cười rất hiền, giọng nói nhẹ nhưng lại dứt khoát: Phải khẳng định ngay rằng, đây không phải là sản phẩm của cá nhân tôi mà là của cả một nhóm. Riêng tôi, trong suy nghĩ của mình, chưa bao giờ nghĩ làm khoa học chỉ để đưa vào “tháp ngà”. Khoa học phải xuất phát từ chính cuộc sống và phục vụ cuộc sống. 

Anh kể, hồi anh và đồng nghiệp thuyết trình về dự án chế tạo vệ tinh nhỏ F-1, nhiều người đã hỏi “thế chế tạo vệ tinh nhỏ có kiếm ra tiền không”. Anh đã phải thuyết phục cả một hội đồng rằng: Trước mắt thì không, nhưng tương lai thì có. Chế tạo vệ tinh nhỏ sẽ tạo tiền đề để chúng ta chế tạo những vệ tinh lớn hơn. Trong tương lai, nếu chúng ta làm chủ được công nghệ thì sẽ có cơ hội kiếm ra tiền. Vệ tinh sẽ giúp ích trong việc giám sát tàu biển, môi trường, đất đai, cây trồng... “Nếu viển vông dự án của chúng tôi đã không bao giờ được chấp nhận. Tôi làm việc cho doanh nghiệp, họ chắc chắn không bỏ tiền để chúng tôi nghiên cứu rồi bỏ đi”. 

Rồi khi anh và các cộng sự tìm kiếm giải pháp cứu ngư dân trước thảm họa bão, nhiều người cũng bảo sao không tìm cái gì dễ dễ mà làm hoặc tìm cái gì mà ngoài thị trường đang thiếu, làm ra sản phẩm còn bán được, chứ đừng có đâm đầu vào những dự án “viển vông” như thế.

“Nhưng tôi luôn nghĩ khác”, anh bảo “Tôi tin rằng nhà khoa học có nhiệm vụ giải quyết những bài toán mà xã hội đặt ra. Hằng năm, mỗi mùa mưa bão Việt Nam lại có có hàng trăm ngư dân bị thiệt mạng. Trong khi đó chúng tôi có công nghệ trong tay. 
Ước mơ đưa vệ tinh lên quỹ đạo
Ước mơ đưa vệ tinh lên quỹ đạo
Trong quá trình tìm tòi nghiên cứu các công nghệ mới, nhóm tôi đã tìm ra được kỹ thuật liên lạc ở khoảng cách xa tới tận Mặt Trăng mà tiêu thụ năng lượng thấp. Mọi người trong nhóm thường động viên nhau: Chúng ta đã liên lạc được tới tận Mặt Trăng thì tại sao lại không nghĩ ra giải pháp liên lạc trên biển Đông cho ngư dân? Cái mà chúng tôi làm là giải quyết bài toán có thực trong cuộc sống không thể nói là viển vông được”. 

Nói tới đây anh ngồi trầm ngâm: Đúng là đến thời điểm này, chưa có sản phẩm nào của chúng tôi hoàn thiện và đưa vào ứng dụng được, nhưng không thể nói sản phẩm của chúng tôi không có tính khả thi, không thiết thực. Xã hội cần quyển sách, cái bút, cần hạt gạo, hạt thóc nhưng bên cạnh đó cũng cần hướng tới những mục tiêu xa hơn như bảo vệ môi trường, giám sát tàu biển, chụp ảnh viễn thám từ vệ tinh... Chỉ là chúng ta chọn con đường nào để đi và cách tiếp cận như thế nào để tới đích.

Tìm bạn để đi cùng

Liệu anh và các đồng nghiệp có tự tin rằng sản phẩm bán được không? Anh nhíu mày rất sâu, khuôn mặt rất hiền của anh thoáng chút đăm chiêu: Một sản phẩm muốn ra được thị trường đòi hỏi rất nhiều không chỉ phụ thuộc vào mỗi yếu tố công nghệ mà phải biết kết hợp giữa công nghệ, kỹ năng kinh doanh và nhu cầu thực tế.

“Trong khoa học có 2 kiểu, khoa học vị khoa học và khoa học vị nhân sinh. Đối với khoa học vị nhân sinh thì đòi hỏi phải tính đến yếu tố thị trường. Có điều, tôi cho rằng nhà khoa học không nhất thiết phải là một nhà kinh doanh. Xã hội đã phân công công việc cho mỗi người. Hãy làm thật tốt công việc của mình. Nhà khoa học có nhiệm vụ tìm ra những sản phẩm mới. Còn công việc tiếp theo thì hãy tìm những người bạn cùng chí hướng để đi cùng. 
Cần tìm bạn đồng hành
Cần tìm bạn đồng hành

Anh kể, nhóm của anh hầu hết là dân kỹ thuật, là những người yêu công nghệ đến “quên cả bản thân mình”, nhưng điểm yếu của nhóm là nhìn mọi thứ dưới góc độ kỹ thuật, thành ra nhiều khi có thể dẫn đến “chệch” nhịp với nhu cầu thực tế. Biết rõ điều này, nên từ hơn một năm nay, nhóm của anh cũng đã để ý tìm kiếm một cộng sự mới làm vị trí kinh doanh để có thêm một “cái đầu” nữa cùng nhau giải quyết bài toán thị trường. Tuy nhiên, đáng buồn là đến giờ vẫn chưa tìm được người phù hợp.

Trong thời gian tới, anh bảo anh và cộng sự vẫn sẽ đi theo cách này, khi sản phẩm thành công, nhóm sẽ chuyển giao công nghệ hoặc sẵn sàng bắt tay hợp tác với doanh nghiệp để cùng nhau đưa sản phẩm ra thị trường. Và anh bảo, anh có niềm tin rằng, sản phẩm của nhóm sẽ được ứng dụng vào cuộc sống.

Không có khái niệm “nản”

Anh có bao giờ cảm thấy mệt mỏi hoặc thấy nản không? “Tôi vẫn nghĩ không có cái gì là dễ dàng cả, nhất là đối với nghiên cứu khoa học. Tôi chưa bao giờ thấy chán công việc của mình cả”, anh đáp.

Anh ví dụ, dự án vệ tinh F-1 vốn thuộc lĩnh vực công nghệ cao và còn rất mới mẻ ở Việt Nam nên đụng đâu là gặp khó khăn từ tìm kiếm nguyên vật liệu để chế tạo vệ tinh đến khâu kiểm định chất lượng, đàm phán để phóng vệ tinh... Nhưng rồi vượt qua từng khó khăn, sau gần 4 năm dự án cũng đã đi đến những bước cuối cùng, chế tạo mô hình bay (Flight Model), tiến hành các thử nghiệm để đảm bảo vệ tinh sẽ hoạt động được trong môi trường không gian và thuê phóng lên quỹ đạo.

Rồi anh kể thêm, hiện chỉ có dự án vệ tinh F-1 là nhận được sự hỗ trợ từ công ty và một số nhà tài trợ cá nhân, còn những sản phẩm khác nhóm nghiên cứu tự chủ động làm hoàn toàn vì đam mê chứ không có sự hỗ trợ tài chính nào cả. Vì thế, hiện nhóm anh cũng phải mướt mồ hôi đi tìm các cơ hội hợp tác. “Nhưng ngay cả như thế, tôi cũng chưa bao giờ thấy nản. Tôi có đủ đam mê, đủ niềm tin để không bỏ cuộc giữa chừng”.

May mắn là dự án chế tạo vệ tinh nhỏ cảnh báo cháy rừng sớm đã được tìm được đối tác là đội dự án UNIFORM của Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn để các kỹ sư Việt Nam có thể “đi tắt, đón đầu” quy trình công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ 50kg và đem vào ứng dụng thực tế. Hiện chúng tôi rất cần nguồn kinh phí để có thể hiện thực hóa ý tưởng chế tạo chùm vệ tinh nhỏ cảnh báo cháy rừng sớm này. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các tổ chức, cá nhân có cùng mối quan tâm”, anh chia sẻ.

Vũ Trọng Thư sinh năm 1982. Năm 2008, khi đang làm việc tại FPT Software, anh đưa ra quyết định khiến nhiều người ngạc nhiên: xin nghỉ việc để tập trung nghiên cứu chế tạo vệ tinh. Mới đây nhất, tháng 2/2012, anh và đồng đội đã giành giải nhất cuộc thi thiết kế giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão. Ngày 23/3 vừa qua anh được chọn là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2011, ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học - sáng tạo.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang