Vứt hàng ngàn bánh chưng, gà luộc: Đừng vội phê phán!

author 14:03 12/02/2014

(VietQ.vn) - Xã hội xuất hiện những “tỉ phú đỏ” kiếm tiền quá dễ dãi, những trọc phú giàu lên nhờ quan hệ, bất động sản…, chứ không phải là những tỉ phú giàu lên nhờ trí tuệ, bỏ nhiều công sức đầu tư biết quý trọng đồng tiền.

GS.VS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (ảnh) lý giải vì sao người Việt vốn sống tiết kiệm mà nay lại có lúc tiêu sài hoang phí...

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa Việt, ông nghĩ gì qua hình ảnh hàng ngàn bánh chưng, thậm chí gà luộc cả con cũng bị vứt vào thùng rác?

Người Việt là dân tộc rất dễ thích nghi vì vậy từ người nông dân truyền thống trở thành một người biết tiêu thụ rất nhanh. Đó cũng là do nền kinh tế thị trường đưa đẩy. Từ một anh nông dân bị mất đất, được đền bù giải tỏa cầm mớ tiền tiêu hoang phí mà không nghĩ tới ngày mai, bởi họ chỉ có tầm nhìn ngắn.

Hiện nay thì văn hóa phương Tây tràn vào chúng ta qua những kênh truyền thông đại chúng, qua cách thức sản xuất, tiêu dùng, kiếm tiền… Và xã hội xuất hiện những “tỉ phú đỏ” kiếm tiền quá dễ dãi, những trọc phú giàu lên nhờ quan hệ, bất động sản…, chứ không phải là những tỉ phú giàu lên nhờ trí tuệ, bỏ nhiều công sức đầu tư biết quý trọng đồng tiền.

Phải chăng văn hóa tiêu dùng tiết kiệm của người Việt đã không còn nữa? Nhận định người Việt nghèo mà lãng phí là đúng?

Đây là hai mặt của vấn đề:

Về văn hóa, với người nông dân Việt Nam một mặt họ rất trân trọng sản vật từ thiên nhiên nhưng mặt khác lại có tính cách rộng rãi, nhất là người Nam Bộ.
Người phương Tây tới Việt Nam, thấy người Việt nghèo nhưng lại tiếp khách rất sởi lởi, ăn uống bao giờ cũng có đồ thừa. Quan niệm phương Tây là ăn uống phải vừa đủ, mua bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu, không lãng phí.

Người Việt lại quan tâm về khía cạnh tinh thần, người ta sống với nhau, đối với bạn bè phải rộng rãi, mà càng nghèo thì càng phải tỏ ra rằng mình rộng rãi bởi vì nghèo thường đồng nghĩa với keo kiệt, nên nhiều người nghèo có tâm lý muốn bày tỏ tuy tôi nghèo nhưng vẫn rộng rãi, hào phóng.

Để làm được như thế, những người nghèo khi chỉ có người nhà với nhau thì bóp mồm nhường nhịn nhau còn khi đãi khách lại phải rất đầy đủ, khi ra ngoài quần áo đẹp đẽ sạch sẽ còn trong nhà thì rách rưới…

Về mặt xã hội, khi chủ nghĩa thực dụng được người phương Tây đưa vào lại càng tạo điều kiện cho những thứ chi tiêu xa sỉ lãng phí phát triển.

Vậy mà có ý kiến cho rằng, chúng ta cần phải sống thực dụng hơn, học tư tưởng tiết kiệm của người phương Tây?

Nên học hay không thì ta hay thử làm phép so sánh quan điểm tiết kiệm của người Việt với người phương Tây.

Theo truyền thống, người Việt quan niệm tài sản của thiên nhiên, của mẹ đất nên muốn dùng bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu thôi, khi muốn tỏ ra hào phóng cũng ở mức chừng mực, vừa đủ thôi. Như là khi chúng ta đi ăn cỗ, cái bát, cái đĩa phải giữ lại một ít chứ ăn hết thì mang tiếng tham ăn, chứ không lãng phí nhiều như dưới con mắt người phương Tây quan sát.

Ngược lại, người phương Tây ở phía Bắc, có mùa đông khí hậu khắc nghiệt vì vậy mà con người phải tranh giành nhau, vun vén tài sản giữ cho mình.

Như vậy ta thấy hai mô hình lãng phí khác nhau: Người Việt thì nhìn qua có thể thấy lãng phí trong từng cá nhân nhưng toàn xã hội lại rất biết tiết kiệm.  Trong khi đó, tại phương Tây thì từng người có vẻ rất tiết kiệm nhưng toàn xã hội lại lãng phí rất lớn.

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí. Khối lượng đó có thể nuôi sống 3 tỷ người

Minh chứng về lãng phí trong xã hội phương Tây được thể hiện qua việc con người khai thác tài nguyên bừa bãi, khai thác tới cạn kiệt.

Rồi còn những gói kích cầu, thực chất là làm ra mà không dùng đến phải dụ cho dân chúng mua về dùng xong lại vứt đi để mua cái mới. Thế nhưng những lúc sản xuất không đủ lại hô hào người dân tiết kiệm. Vậy chẳng phải vì lợi ích của doanh nghiệp mà lãng phí tiền của dân chúng sao? Nhà nước, doanh nghiệp dùng các biện pháp quảng cáo cốt để người ta mua hàng, người ta mua được nhiều hàng thì coi như là kinh tế đi lên, nhưng đó là cái đi lên giả.

Vậy văn hóa người Việt cần phải đi theo hướng nào để không đi lặp lại những nhược điểm trên?

Nếu xã hội còn giữ nguyên bối cảnh truyền thống như ngày xưa thì chúng ta mới giữ được bản sắc, còn xã hội bây giờ pha trộn, mở cửa đi theo kinh tế thị trường thì tất nhiên con người cũng thay đổi chứ không thể giữ như trước được.

Vấn đề chúng ta lo ngại ở đây xuất phát từ những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là giai đoạn chuyển giao từ thời kì đất nước nghèo khổ, mọi thứ ăn ở mặc đều thiếu thốn nên là khi mở cửa tiếp nhận nền kinh tế mới thì vấn đề vật chất quá là mạnh.

Khi mà đã được thỏa mãn một chút vật chất thì người ta lại càng tưởng sự thay đổi như thế là đúng và cứ thế là theo. Sau đó trong toàn xã hội người ta đã nhận biết được sự pha trộn đó là không lành mạnh

Người phương Tây tiết kiệm, ngay cả những tỉ phú cũng có những người chi tiêu tiết kiệm tuy nhiên theo cách của người phương Tây thì lại tàn phá thiên nhiên rất nhanh. Song phung phí như phương Đông cũng chưa ổn. Do đó tôi nghĩ nên dung hòa cả hai, có nghĩa là người ta không nên hà tiện quá cũng không nên phung phí quá. Không nên sống chắt bóp, tàn phá thiên nhiên, chỉ cốt được nhiều tiền cho riêng mình như người phương Tây. Giàu cũng chỉ đủ để sống thôi chứ không phải giàu đến ngất ngưởng.

Thiết nghĩ, chúng ta cần phải có đường lối chặt chẽ, xây dựng hệ giá trị cụ thể, có kế hoạch tuyên truyền… thì mới đưa nền văn hóa phát triển tốt đẹp hơn.

Xin cám ơn ông!

Hoàng Vũ (thực hiện)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang