Xâm nhập mặn và hạn hán ở Việt Nam: Ngồi ở Bến Tre cũng có thể tắm biển

author 18:27 16/03/2016

(VietQ.vn) - TP Bến Tre dù cách biển 70km, người dân cũng có thể … tắm biển bởi xâm nhập mặn đã bủa vây. Trong khi đó, hạn hán ở Việt Nam cũng đang rất khốc liệt.

Đây là một trong những nội dung chính của buổi hội thảo với các đối tác phát triển và nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại Hà Nội.

Xâm nhập mặn và hạn hán ở Việt Nam: Có thể tắm biển ở Bến Tre

Xâm nhập mặn và hạn hán ở Việt Nam gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của Việt Nam

Huy động cả xe chữa cháy để chở nước ngọt  

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, đã gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh tại khu vực Trung bộ, Tây nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời gian tới, tình hình còn xấu hơn bởi lượng nước chảy về trên sông Mekong sẽ không tăng. Nước mặn sẽ tiếp tục xâm nhập sâu hơn và sẽ có khoảng gần một nửa diện tích Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu ảnh hưởng.

Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát lo lắng: Có thể cảm thấy độ mặn ở nước trong khách sạn ngay ở thành phố Bến Tre, dù nơi này cách biển tới 70 km. “Có thể không phải tới Vũng Tàu để tắm biển, mà có thể cảm nhận được độ mặn ở TP Bến Tre, nơi cách biển 70km”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Trong khi nước ở Hà Nội chỉ vài nghìn đồng một m3 thì ở Bến Tre, người dân thậm chí phải mua 60.000-80.000 đồng/m3 nước. Nhiều nhà máy, trường học, bệnh viện, khách sạn không có nước ngọt phải mua nước, thậm chí phải dùng nước có độ mặn loãng hơn.

Về ảnh hưởng của xâm nhập mặn và hạn hán ở ĐBSCL tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tới sản xuất lúa, cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, đến nay đã có 160.000 ha lúa bị thiệt hại, phần lớn trong đó không có thu hoạch. Mỗi héc ta bình quân 5 tấn, tức có 800.000 tấn lúa bị mất. Mỗi gia đình có 0,5 ha. Như vậy gần 300.000 hộ gia đình trong những tháng qua không có thu nhập, tức khoảng 1,5 triệu người không có thu nhập từ cây lúa.

Xâm nhập mặn khiến không có nước ngọt, sau vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu không thể gieo cấy được. Như vậy, sẽ có khoảng 500.000 ha, tức 1/3 diện tích lúa Hè Thu của ĐBSCL sẽ không được sản xuất đúng vụ và điều đó sẽ ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lúa.

Với thủy sản, độ mặn cao nên một số vùng nuôi ngao, hàu bị chết, tôm cũng không thể lớn nên phải thay đổi thời vụ và phương thức canh tác.

Không chỉ mất thu nhập, trên 200.000 hộ gia đình với khoảng 1 triệu người không có nước ngọt để sinh hoạt.

Để có nước ngọt sinh hoạt, Bến Tre đã phải huy động đến cả xe chữa cháy để chuyên chở. Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng cho biết: “Thiếu nước ngọt, tỉnh đã chỉ đạo chở nước bằng xà lan từ thượng nguồn, huy động cả xe phòng cháy chữa cháy...”

Việt Nam đã làm hết sức có thể

Hạn hán ở Việt Nam xảy ra tại nhiều khu vực Nam Trung Bộ, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa trong suốt 2 năm qua. Ở Khánh Hòa lưu lượng nước chỉ bằng 10% so với trung bình nhiều năm, giảm 90%...

3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa đã có 23.000 ha phải dừng sản xuất. Có vùng ở Ninh Thuận, đây là vụ thứ 4, thứ 5 phải ngừng sản xuất.

Trong những ngày tháng qua, Bộ trưởng Ông Cao Đức Phát đã “vào ra” liên tục giữa Hà Nội và các khu vực chịu xâm nhập mặn và hạn hán nói trên để chỉ đạo công tác chống hạn và xâm nhập mặn. “Việt Nam đã làm hết sức có thể, tuy nhiên, “cuộc chiến” với thiên tai vẫn còn vô cùng nan giải và chưa biết khi nào có hồi kết. Do đó rất cần sự chung tay vào cuộc của các đối tác quốc tế”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định.

ĐBSCL - khu vực với 17 triệu dân, sản xuất 1/2 sản lượng lúa của cả nước, xuất khẩu hơn 8 triệu tấn mỗi năm bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến nay lượng nước sông Mekong đã giảm 50%, trong khi thủy triều dâng cao bất thường khiến mặn xâm nhập có nơi tới 50 – 70km (sâu hơn trung bình mọi năm 20km).

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đây không chỉ là El Nino mà còn là biểu hiện của biến đổi khí hậu và sẽ diễn biến nặng nề hơn. Những gì nhìn thấy hôm nay sẽ lặp lại và gay gắt hơn trong tương lai. Vì vậy, không chỉ thực hiện ứng phó trước mắt, Việt Nam cũng thực hiện ngay những biện pháp trung hạn và dài hạn: hướng dẫn nhân dân điều chỉnh cơ cấu sản xuất, chuyển sang chăn nuôi hoặc các nghề phi nông nghiệp; xây dựng công trình...

Tại hội thảo này, bà Pratibha Mehta - Điều phối viên Liên hiệp quốc, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho hay các tổ chức quốc tế sẽ nhóm họp để tìm giải pháp hỗ trợ trước mắt, cứu trợ khẩn cấp cho những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề.

Sau đó, cộng đồng quốc tế sẽ tìm các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để Việt Nam có thể ứng phó và thích nghi với những hiện tượng thời tiết cực đoan trung hạn và dài hạn.

Đại diện ADB cho rằng, Bộ NN&PTNT nên cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư và nhà tài trợ rà soát lại thứ tự ưu tiên cho các dự án của Chính phủ cũng như của nhà tài trợ. Đặt ưu tiên cho các dự án vùng hạn hán ở Việt Nam, xâm nhập mặn, ưu tiên cả về thứ tự và thủ tục bởi nếu theo trật tự sắp xếp hiện tại và theo thủ tục triển khai bình thường, có những dự án đến năm 2018 mới được duyệt.

Về phía Việt Nam, các giải pháp trước mắt, Chính phủ cung cấp khoảng 700 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh xây dựng trạm bơm nước ngọt lên nơi có thể chứa. Đồng thời, xây dựng cấp bách hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho nhân dân, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để nhân dân mua giống trồng vụ lúa sau đối với vùng lúa chết.

Mặt khác phải đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt; thực hiện phương châm không để người dân nào đói, thống kê hộ dân thiếu lương thực và cấp 15kg gạo/người/tháng.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đến nay, các địa phương đã đề nghị hỗ trợ 100 triệu USD để xây đập, cấp nước sinh hoạt, khôi phục sản xuất. Ngoài ra, cũng đề nghị Chính phủ bổ sung 1 tỷ USD để xây dựng các công trình khẩn cấp, cấp bách chống hạn, mặn.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang