Xót xa cảnh người già cuối đời bị con ruồng bỏ

author 15:53 26/02/2014

(VietQ.vn) - “Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/ Con nuôi cha mẹ con kể từng ngày” – câu tục ngữ xưa nhưng vẫn rất đúng trong xã hội hiện đại. Thử một lần ghé thăm các viện dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội, chăm sóc người già, thử lắng nghe tâm sự phía cuối cuộc đời của những phận già bị con cái ruồng bỏ, sẽ thấu hiểu được một điều: chữ hiếu hiện nay đang ngày càng biến dạng.

Tâm sự nhói lòng

Những nơi chăm sóc người già luôn nằm ở các vị trí khá khuất và yên tĩnh. Có thể hiểu tuổi già cần yên tĩnh để nghỉ ngơi song cũng hoàn toàn có thể ngẫm nghĩ mà rằng cuộc đời của các cụ nơi đây cũng trầm tư và buồn tẻ như chính cái khoảng không bao quanh họ. Đối với những cụ ông, cụ bà neo đơn, cảnh sống cô quạnh ấy ít nhiều có thể hiểu được song với những phận già có con cái đầy đủ song cuối đời lại bị chính những đứa con ruột thịt đẩy vào nơi đây thì với bất kỳ ai cũng khó có thể cảm thông.

Tôi vẫn nhớ như in cái buổi chiều hè năm 2011 khi đặt chân tới Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Phúc Sinh (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội). Trong khuôn viên của trung tâm, có cụ ngồi yên trên xe lăn để y tá đẩy qua đẩy lại, có cụ đầu óc không còn minh mẫn lẩn thẩn đứng cười một mình bên cạnh hành lang, lại có những cụ nằm yên trong phòng mà nước mắt chảy dài. Tiếp xúc với bao nhiêu cụ là bấy nhiêu câu chuyện nghẹn ngào trái khoáy, đặc biệt là với những hoàn cảnh sắp gần đất xa trời vẫn chỉ duy nhất một niềm mong mỏi con mình biết tu tâm dưỡng tính.

Dạo ấy, cụ Nguyễn Văn Vinh (88 tuổi, xã Tiên Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) đưa cho chúng tôi gói hoa quả với lời dặn dò: “Đấy, các cô gọt đi mà ăn, chúng nó mang vào biếu tôi cả tháng nay rồi nhưng có ăn được đâu”. Khi chúng tôi từ chối bịch hoa quả và để vào góc tủ để khi nào cụ muốn ăn thì lấy, cụ thều thào: “Tay tôi bây giờ run lắm, các cô y tá mà không gọt giúp thì cũng không tự gọt được đâu. Để lâu nó hỏng đi lại phí. Các cô cứ gọt đi”.

Ngày ấy cụ Vinh mong mỏi tình thương của con trai mình trong vô vọng

Ngay khi chúng tôi hỏi: “Hoa quả này là con cụ mang vào biếu hay sao?” cặp mắt đã mờ đục của cụ bỗng trĩu xuống đỏ hoe: “Từ lâu tôi đã không coi cái thằng nghịch tử đó là con nữa, ngoài những lần đến đây để cò kè bán đất thì nó có mang biếu tôi được cái gì”. Và rồi trong khoảng khắc ấy, cụ bắt đầu kể cho chúng tôi câu chuyện bị chính người con trai ruột thịt âm mưu cướp đất và đẩy cụ vào trung tâm này.

Theo lời kể của cụ thì anh con trai cụ cũng đã ngoài 60 tuổi, đã chuyển qua chuyển lại không biết bao nhiêu nghề và cho tới giờ thì đang thất nghiệp. Ngày còn ở với con trai, anh ta thường xuyên đi chơi bời thâu đêm suốt sáng, bỏ mặc cụ ở nhà một mình. Thế nên khi cụ bị trúng gió bất ngờ, không ai kịp phát hiện để đưa đi cấp cứu. Đến khi được đưa vào bệnh viện cụ đành phải chịu những di chứng tai quái vì đưa đi cấp cứu quá muộn. Thế mà từ lúc nhập viện cho tới khi vào sống tại trung tâm chăm sóc người già này, anh con trai vẫn chẳng thèm ngó ngàng đến cụ. Những lần viếng thăm chớp nhoáng chỉ để yêu cầu, đe dọa việc cụ phải sang tên cho hắn mảnh đất hơn 1000m2.

Nhiều khi nghĩ đến những người hàng xóm, những nhân viên tại trung tâm đối xử tốt với mình, cụ không khỏi rớt nước mắt khi hình ảnh thằng con trai ngỗ ngược cứ hiển hiện trong đầu. Giá như… giá như một lần anh ta đến thăm nom cụ tử tế như những người dưng nước lã khác, có lẽ nỗi đau trong lòng cụ đã không bị khoét sâu đến thế.

Chết để được giải thoát

Đồng cảnh ngộ với cụ Vinh là hoàn cảnh của cụ Dũng (Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Hưng Yên). Cụ Dũng đã từng có một quá khứ huy hoàng với 2 tấm bằng đại học và một thời gian dài cống hiến cho đất nước. Thế nhưng cuối đời, cụ vẫn đau đáu một nỗi đau khi bị con cái không thèm nhìn mặt.

Nằm trên giường với thân hình chỉ còn da bọc xương, giọng nói đứt đoạn bởi những cơn khóc nấc, cụ kể: “Trước khi vào đây, ông đã phải nằm viện suốt một thời gian dài vì cùng một lúc mà bị vài ba căn bệnh: viêm phế quản, tràn dịch phổi, viêm cầu thận, suy tim độ 3…. Đó là khoảng thời gian ông bị phù nề toàn thân và phải sống cùng kháng sinh”.

Cụ Dũng với người vợ cả có cả thảy 3 mặt con. Cụ là người Nhà nước, làm ăn liêm chính, kiếm tiền ít hơn vợ nên thường xuyên bị vợ cằn nhằn. Biết rằng không thể sống cùng với nhau nên cả hai ly dị. Mấy đứa con đã quen ăn sung mặc sướng với sự chu cấp đầy đủ của mẹ nên đồng loạt đi theo mẹ, về một phe. Gia đình 5 người, chỉ còn trơ lại một mình cụ. Căn nhà giữa lòng Thủ đô, cụ để lại cho mấy mẹ con sinh sống.

Về sau, khi Nhà nước có cơ chế thị trường, giá nhà đất được đẩy lên cao, vợ con cụ không ngại ngùng bán căn nhà đó đi, lấy hàng tỷ đồng mà không hề thông báo hay cho cụ một xu nào. Quá bất lực với cuộc đời, với sự bội bạc của vợ con cũ, cụ từ con rồi giấu chúng, nhờ người quen xin được vào trong trung tâm này.

Mãi đến khi cụ bệnh nặng, trung tâm buộc phải thông báo với người nhà để nắm bắt tình hình, mấy đứa con cụ mới vào thăm nhưng rồi cũng chỉ dăm ba phút là lại đi ngay. Những lần chớp nhoáng chúng viếng thăm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những dịp Lễ, Tết, một vài người neo đơn trong trung tâm không có con cái cũng còn có cháu họ đến thăm, đằng này cụ càng mong mỏi thì bóng dáng mấy đứa con càng mất hút.

Trong hơi thở dồn dập vì xúc động quá mạnh, cụ bảo: “Giờ cái chết đối với tôi cũng không là gì nữa rồi. Chết đi sẽ được giải thoát”.

Nhiều người già sống ở các viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi ôm theo những tâm tư khó nói

Tôi còn nhớ lần đến Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 (thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội) và được gặp cụ Trịnh Thị Thặn (Quảng Xương, Thanh Hóa). Vì cái nghèo bám riết lấy gia đình, không muốn làm gánh nặng của con trai cụ đã phải giấu con, còng lưng đi ăn xin để kiếm thêm đồng ra đồng vào, mua cho đám cháu nheo nhóc ở quê đồng quà tấm bánh.

Lang bạt ở bao nhiêu ngõ ngách tại Hà Nội để xin chút bố thí của thiên hạ, cụ đã phải chịu không ít vất vả. Thế nhưng những địa điểm ấy chỉ mang máng trong đầu, cụ không nhớ mình đã đi qua những phố, những ngõ nào bởi chúng đều ồn ã, đêm đêm thì sáng chói ánh đèn. Căn cứ để cụ phân biệt chúng là nơi nào người ta cho ít, nơi nào người ta cho nhiều để còn đến lại những lần sau.

Rồi trong một lần đang hành nghề, cụ bị cơ quan chức năng của địa phương bắt được và tập kết tất cả những người lang thang cơ nhỡ đưa về trung tâm bảo trợ xã hội 1. Ngồi trò chuyện với cụ, cụ chỉ có một mong ước duy nhất: “Tôi ra sớm được ngày nào thì hay ngày ấy. Lần này tôi sẽ về quê đoàn tụ với con cháu, không đi ăn xin ở Thủ đô nữa”.

Thế đấy, tấm lòng của những người cha người mẹ luôn cao cả và bao dung. Họ sẵn sàng làm tất cả những gì tốt nhất cho con cái họ. Thực tế, tình cảm mà cụ Vinh, cụ Dũng đối với con cái cũng chẳng thua gì người mẹ nghèo ăn xin kia. Bởi chỉ cần một sự quan tâm chính đáng, một lời xin lỗi thực tâm thì các cụ sẽ bỏ qua hết lỗi lầm cho con cái. Thế nhưng có mấy người con hiểu được nỗi lòng ấy của cha mẹ. Để rồi hàng ngày vẫn có bao bậc cha mẹ già cả phải bỏ nhà, bỏ con bỏ cái để đến nương nhờ những viện dưỡng lão, những trung tâm chăm sóc người cao tuổi, nơi mà tình thương từ những người đồng cảnh hộ sẽ là chất keo để hàn gắn nỗi đau. 

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang