Xử lý kiên quyết sở hữu chéo ngân hàng

author 07:43 21/11/2013

Vấn đề đầu tư chéo, sở hữu chéo - điểm nghẽn của nhiệm vụ tái cấu trúc ngân hàng- được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ xử lý từng bước, chắc chắn nhưng kiên quyết nhằm tránh đổ vỡ trong hệ thống.

6 cặp ngân hàng sở hữu chéo

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Ban Cố vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay là quy định tăng vốn điều lệ của NHNN theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22-11-2006. Mặc dù mục tiêu của việc bắt buộc tăng vốn điều lệ này là để tạo sức mạnh cạnh tranh và độ lớn về quy mô của các TCTD dần tiến tới đạt chuẩn quốc tế, tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, việc tăng vốn của các ngân hàng thương mại gặp khá nhiều khó khăn.

Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22-11-2006 được coi là điểm nhấn trong hành trình tăng vốn điều lệ. Theo đó, mốc vốn điều lệ tối thiểu đến năm 2008 là 1.000 tỷ đồng và hạn cuối 31-12-2010 là 3.000 tỷ đồng. Thời điểm cán mốc 1.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng thực hiện khá chật vật, cho nên ở mốc 3.000 tỷ đồng nhiều ngân hàng đã không thể thực hiện được. Do đó, Chính phủ phải ban hành Nghị định số 10/2011/NĐ-CP cho phép lùi thời hạn thêm 1 năm, tức ngày 31-12-2011 phải hoàn tất việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Và trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi việc huy động vốn trung và dài hạn từ thị trường chứng khoán cũng là khe cửa hẹp, các ngân hàng chỉ còn cách là lách quy định thông qua sở hữu chéo. Điều này dẫn đến nguồn vốn của từng ngân hàng tăng nhưng tổng thể nguồn vốn toàn hệ thống không hề thay đổi và hệ quả là làm sai lệch bản chất của vốn điều lệ dẫn đến các chỉ số khác cũng bị sai lệch theo, quá trình giám sát quản trị, đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng... không còn chính xác.

Nhận thức rõ vấn đề này, năm 2010, NHNN đã có quy định trong Luật Các TCTD năm 2010: Các TCTD không được phép sở hữu cổ phần lẫn nhau (Khoản 5 Điều 129); Các công ty con, công ty liên kết của một TCTD không được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó (Khoản 2 Điều 135). Tuy nhiên, trên thực tế, trước thời điểm quy định này ra đời, do phải thực hiện rốt ráo quy định tăng vốn nên đã có một số TCTD góp vốn tại nhiều TCTD khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc có một số trường hợp TCTD thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của TCTD khác.

Trong văn bản trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về vấn đề sở hữu chéo, Thống đốc NHNN cho biết cơ quan này đã tiến hành thanh tra, giám sát toàn diện hoạt động của các TCTD và đã khái quát được đầy đủ thực trạng sở hữu chéo tại các TCTD.  Hiện đang tồn tại 6 cặp ngân hàng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau, 34 TCTD có cổ đông một chiều là TCTD khác, trong đó một số ngân hàng thương mại cổ phần có một số cổ đông là TCTD khác.

Ngân hàng TMCP Kiên Long đang được tiến hành tái cơ cấu. 

“Loại” ông chủ là con nợ ra khỏi hệ thống

Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống các TCTD, NHNN đã xác định mục tiêu xử lý sở hữu chéo là góp phần bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch. Quan điểm xử lý sở hữu chéo của NHNN là thận trọng, có lộ trình để giữ ổn định từng TCTD và hệ thống các TCTD với giải pháp xử lý phải toàn diện bao gồm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách để hạn chế sở hữu chéo và quy định an toàn hoạt động ngân hàng, xử lý đồng bộ, toàn diện nhưng có tính đến đặc điểm của từng TCTD cụ thể.

Dự kiến trong tháng 11-2013 sẽ xây dựng các quy trình nhằm xử lý, ngăn chặn, phòng ngừa việc sở hữu chéo, đầu tư chéo, NHNN cho biết sẽ  thực hiện đồng bộ các biện pháp. Trong các phương án tái cơ cấu của các TCTD, NHNN yêu cầu TCTD vi phạm các quy định về sở hữu chéo, đầu tư, giới hạn sở hữu vốn và cấp tín dụng cũng như các quy định an toàn khác phải có biện pháp xử lý, yêu cầu các DN Nhà nước, tổng công ty Nhà nước xây dựng lộ trình thoái vốn đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, để đảm bảo nguồn vốn của các cổ đông là cá nhân, tổ chức đầu tư vào TCTD là hợp pháp và phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của họ, khi xem xét việc tăng vốn điều lệ của các TCTD, NHNN tăng cường công tác xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD.

NHNN cũng giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD có liên quan để một mặt đánh giá khả năng tài chính của cổ đông, mặt khác, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan... Thực tế thời gian qua, trong quá trình xử lý các ngân hàng trong diện phải tái cơ cấu, ngoài 9 đơn vị trong diện tái cơ cấu như NHNN đã thông báo, gần đây, cơ quan này đã tái cơ cấu thêm NHTM CP Đại Tín, NHTM CP Kiên Long theo phương thức mời cổ đông cũ ra, kêu gọi cổ đông mới vào thay thế. TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết đã đề nghị Thủ tướng thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng một cách mạnh mẽ, dứt khoát đưa các ông chủ là lãnh đạo các tập đoàn lớn làm chủ sở hữu và cũng chính là con nợ ra khỏi hệ thống tài chính. Và tới đây một số ngân hàng cũng sẽ được tái cơ cấu theo hướng này, nhằm tránh tổn thất dài hạn cũng như cú sốc ngắn hạn cho chủ trương tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Theo Hải quan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang