Ý kiến trái chiều về việc thu xe của người phạm luật giao thông

author 11:40 06/03/2015

(VietQ.vn) - Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, phương tiện là tài sản của các cá nhân, tổ chức; được điều chỉnh theo pháp luật về sở hữu tài sản trong Bộ Luật Dân sự nên không thể áp dụng để xử lý hành vi vi phạm giao thông.

Theo tin tức mới nhất từ báo Tiền Phong, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc tước bằng lái xe và tịch thu phương tiện sẽ là lời cảnh báo tác động đến tâm lý của nhiều người tham gia giao thông. Theo ông Hùng, một số nước coi hành vi uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện là vi phạm hình sự nên Ủy ban đã đề nghị như trên.

Tuy nhiên, biện pháp tịch thu phương tiện, nhất là những tài sản lớn như ô tô tạo ra không ít ý kiến trái chiều. Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, phương tiện là tài sản của các cá nhân, tổ chức; được điều chỉnh theo pháp luật về sở hữu tài sản trong Bộ Luật Dân sự nên không thể áp dụng để xử lý hành vi vi phạm giao thông. “Nếu người vi phạm chỉ là người lái thuê, làm công thì khi vi phạm không thể thu tài sản đó được vì chiếc xe đó là tài sản của người khác.

Kể cả trường hợp người vi phạm đứng tên chủ xe cũng không thể thu được vì chiếc xe có thể là tài sản chung của cả hai vợ chồng, của ngân hàng... Việc tăng mức độ xử phạt là đúng nhưng cần tìm các biện pháp khác; có thể tăng phạt tiền ở mức độ nào đó hoặc áp dụng các hình phạt bổ sung” – ông Thanh nói. Một chuyên gia am hiểu về giao thông quốc tế cũng cho hay: “Chưa thấy nước nào áp dụng biện pháp tịch thu phương tiện khi người điều khiển vi phạm giao thông”.

Nhiều nhà làm luật cho rằng, việc tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân

Nhiều nhà làm luật cho rằng, việc tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của công dân. Ảnh minh họa

Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp - cho rằng, kiến nghị tịch thu phương tiện cần được đối chiếu với Luật Giao thông đường bộ và Nghị định của Chính phủ về xử phạt an toàn giao thông để xem các hành vi vi phạm đó có đáng bị tịch thu phương tiện hay không.

Theo ông Sơn, luật pháp hiện hành áp dụng biện pháp răn đe là tạm giữ phương tiện và phạt tiền. Đề xuất tịch thu phương tiện không thể "dễ dàng thực hiện" vì liên quan quyền sở hữu tài sản đã được Hiến pháp quy định. "Tôi cho rằng văn bản này khi trình lên Chính phủ sẽ không được thông qua một cách dễ dàng", ông Sơn nói.

Ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng nghiên cứu lập pháp của Quốc hội - cho rằng đề xuất tịch thu ôtô nếu lái xe có nồng độ cồn cao của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia là không hợp lý. Bởi về nguyên tắc, xử lý người vi phạm có thể phạt tiền, thậm chí tạm giữ hành chính hay có những biện pháp khác chứ không thể tịch thu tài sản, theo thông tin từ báo VnExpress.

“Ôtô là tài sản lớn, hợp pháp của cá nhân chứ không phải là phương tiện gây án. Hơn thế, người vi phạm có thể đi xe mượn của người khác. Người cho mượn xe không vi phạm thì làm sao có thể tịch thu xe của họ”, Viện trưởng Thảo nói.

Còn luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định "bản thân đề xuất của Ủy ban an toàn giao thông đã mâu thuẫn". Nội dung đề xuất này tước giấy phép lái xe thời hạn 24 tháng là một chế tài nhẹ nhưng đi kèm với nó lại là tịch thu phương tiện - chế tài nghiêm khắc vô hạn. Luật sư cho rằng, việc tịch thu phương tiện là xâm phạm quyền tự do sở hữu tài sản của công dân.

Thái Hà (T/h)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang