3 điểm/môn đỗ Sư phạm: ‘Có cái gì đó rất không ổn’

authorDương Phương Ngọc 07:29 11/08/2017

(VietQ.vn) - Trước việc điểm chuẩn của nhiều trường sư phạm tuột dốc đến thảm hại, 3 điểm/môn cũng đỗ, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã phải thốt lên: “Có cái gì đó không ổn. Rất không ổn”!

Sự kiện: Kỳ thi THPT Quốc gia 2017

Có quá nhiều điều bất thường xung quanh bức tranh điểm chuẩn các trường đại học năm 2017. Trong khi điểm trúng tuyển các trường khối công an, quân đội, y dược cao ngất ngưởng, mức chuẩn của nhiều trường sư phạm tuột dốc đến thảm hại.

Đơn cử như trường CĐ Sư phạm Bắc Ninh, thông tin trong đợt xét tuyển đầu tiên, nhà trường lấy mức điểm chuẩn 9 cho các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn, đồng nghĩa với việc thí sinh chỉ cần đạt 3 điểm/môn là đã đỗ vào ngành Sư Phạm. Điều này khiến dư luận dấy lên lo lắng về chất lượng giáo viên trong tương lai.

‘Mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên’: Sốc nhưng thật!(VietQ.vn) - Trước việc ĐH Thái nguyên, ĐH Huế chấp nhận lấy điểm sàn, TS Trần Nam Dũng nói: “Tôi rất đồng cảm với câu cảm thán "mong thí sinh đạt 12,75 điểm không làm giáo viên". Tuy câu nói hơi sốc và gây tổn thương nhưng thực tế là nên như vậy”.

Trên trang cá nhân của mình, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã làm một phép so sánh “đau lòng”: 30 điểm, tức là bình quân mỗi môn 10/10, không đủ đễ đỗ vào học trường công an.17 điểm, tức là chưa đầy 6/10 điểm bình quân mỗi môn, là thừa để vào ngành Giáo dục An ninh quốc phòng. 9 điểm, tức là 3/10 bình quân mỗi môn, là đỗ vào một trường Cao đẳng sư phạm”.

Để rồi, nhà báo Trần Đăng Tuấn phải thốt lên: “Có cái gì đó không ổn. Rất không ổn”.

Nhiều người cũng cảm thấy chạnh lòng khi nhìn vào mức điểm chuẩn vào ngành sư phạm. “Buồn cho nền giáo dục của Việt Nam”, “Tiếc và thương cho tương lai giáo dục nước nhà khi có một đội ngũ nhà giáo với điểm đầu vào sư phạm thấp đến thế!, hay “Sư phạm mà toàn học sinh dốt thì đất nước chỉ có đi lùi” – là những câu cảm thán mà dư luận đã đặt ra trong thời gian gần đây.

TS Đàm Quang Minh cũng bày tỏ lo ngại những thí sinh đạt điểm đầu vào sư phạm thấp sẽ khó tìm được việc làm sau này.

 Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, 3 điểm/môn đỗ Sư phạm: ‘Có cái gì đó không ổn’. Ảnh: Kenh14

“Điểm đầu vào như vậy rất khó có giáo viên tốt. Tôi thực sự lo lắng. Các em khó xin việc sau khi tốt nghiệp với lực học yếu, trong khi thị trường cạnh tranh. Tôi lo lắng cho tương lai của các em vì sinh viên tốt nghiệp sư phạm không dễ dàng chuyển đổi ngành nghề như khối ngành kinh tế hay kỹ thuật”, ông Minh không giấu được sự băn khoăn khi chia sẻ với phóng viên.

PGS Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế vinh, Hà Nội) coi việc trường cao đẳng lấy mức trúng tuyển 9 điểm để vào ngành sư phạm là một “mối nguy hại”, một “nỗi lo cho thế hệ tương lai”. Bởi theo kinh nghiệm của các nước có nền phát triển tiên tiến, chất lượng giáo viên quyết định nền giáo dục quốc gia.

Theo PGS Văn Như Cương, để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, việc đầu tiên là thay đổi thầy, cô. Nếu chất lượng giáo viên yếu kém, công cuộc đổi mới không thành công.

PGS Văn Như Cương phân tích một sinh viên sư phạm có năng lực kém, khi vào trường được đào tạo chưa chắc đã giỏi. Điều này tạo ra thế hệ giáo viên không đủ chất lượng.

“Ngành sư phạm còn nhiều vấn đề chưa thu hút người học như lương bổng, ưu đãi. Nhất là thời gian mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có phát ngôn về việc bỏ biên chế giáo viên khiến nhiều người trẻ nhận thấy đây là nghề nghiệp không còn ổn định”, PGS Văn Như Cương phân tích.

Người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục khẳng định, nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục không phải đào tạo giáo viên mới, mà là dạy lại đội ngũ giáo viên cũ, chưa đủ trình độ để phục vụ việc đổi mới.

Liên quan tới bất cập trong ngành giáo dục này, TS Trần Nam Dũng, giảng viên khoa Toán - Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Thầy giáo từng giành huy chương bạc Toán quốc tế chia sẻ: Ông thấy buồn khi nhiều học sinh thay vì đi theo con đường phù hợp, vừa sức hơn (học nghề, làm công nhân...) lại chọn theo ngành mình không thích nhưng có điểm chuẩn thấp. Học mà không biết tương lai sẽ ra sao, chỉ để "có học đại học".

Theo ông Dũng, những thí sinh này không nên trở thành giáo viên trong tương lai vì chính lòng tự trọng và sự tôn trọng nghề giáo.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang