3 trụ cột lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2022

author 06:49 02/03/2022

(VietQ.vn) - Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã có những chia sẻ sâu sắc về 3 trụ cột mà nền kinh tế Việt Nam cần hướng tới trong năm 2022.

Trải qua 2 năm đại dịch, nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đều có những khó khăn nhất định. Những kết quả đã đạt được trong năm 2021 mặc dù chưa trọn vẹn tuy nhiên chúng ta vẫn ấp ủ những hy vọng về sự phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới sẽ có nhiều khởi sắc hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Mới bước vào tháng đầu của năm kế hoạch 2022, con đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn ở phía trước. Điều quan trọng là chúng ta tìm ra những trụ cột chính cho sự phát triển kinh tế cho tương lai. Mỗi một chuyên gia, mỗi nhà quản lý, nhà khoa học đều có những ý kiến riêng của mình về những trụ cột này. Theo tôi, trong năm 2022, có 3 trụ cột chính của sự phát triển của Việt Nam đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Trước hết nói về đầu tư, Việt Nam có nhu cầu rất lớn về đầu tư để phát triển, khi thu hút hiệu quả được vốn đầu tư trong và ngoài nước sẽ tạo nên các nhà máy sản xuất hàng hóa, các trang trại nông nghiệp trồng trọt chăn nuôi phát triển. Ở Việt Nam sẽ có thêm nhiều con đường, sân bay, bến cảng, đó là những cú huých mạnh mẽ cho sự nghiệp phát triển kinh tế.

Từ những kế quả của đầu tư sẽ tạo nên nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người lao động. Tất nhiên cần phải nhớ rằng chúng ta không thể thu hút đầu tư bằng mọi giá. Cần kêu gọi đầu tư có chọn lọc bao gồm các nhà máy, trang trại, nông nghiệp áp dụng công nghệ 4.0, phát triển sản xuất theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, không gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm làm ra có đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Phấn đấu trong 10 - 15 năm tới đưa Việt Nam sớm trở thành một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của khu vực và thế giới.

Trụ cột thứ 2 chính là lĩnh vực xuất khẩu. Năm 2021 đạt mức xuất nhập khẩu 668 tỉ USD, trong đó xuất khẩu chiếm 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020. Mặc dù xuất khẩu trong điều kiện gặp rất nhiều khó khăn vì chống Dịch. VN là 1 trong những nước có kim ngạch xuất khẩu lớn ở khu vực và thế giới. Vậy xuất khẩu Việt Nam muốn phát triển hơn nữa thì cần làm gì?

Trước hết chúng ta phải nghiêm túc đánh giá xuất khẩu của Việt Nam còn nhiều tồn tại phải khắc phục như hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công, giá trị đem lại cho đất nước còn khiêm tốn, 70% kim ngạch xuất khẩu là của doanh nghiệp FDI, nguyên nhiên vật liệu để sản xuất phụ thuộc hầu hết vào một số nước, chi phí sản xuất, xuất khẩu còn cao, thị trường xuất khẩu chưa ổn định và vững chắc. Thậm chí, có nhóm hàng chúng ta quá phụ thuộc vào 1-2 quốc gia nhập khẩu.

Sự sáng tạo đổi mới, tự lực tự cường trong sản xuất xuất khẩu còn ít. Hàng của Việt Nam sản xuất chưa có hệ thống phân phối chính thức tại các nước. Nhiều mặt hàng sản xuất xong khi đi ra khỏi biên giới đã mang mác nhãn hàng hóa của nước ngoài.

Chính vì vậy chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực này như giảm bớt nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu, chủ động trong sáng tạo và thiết kế sản phẩm, giảm bớt tỷ trọng gia công trong hàng xuất khẩu. Muốn xuất khẩu hiệu quả thì phải tạo niềm tin lâu dài cho nước nhập khẩu, làm ăn trách nhiệm, nghiêm túc, trung thực với các bạn hàng trên thế giới. Như lời một chuyên gia đã khuyên rằng: "hàng hóa Việt Nam muốn xuất khẩu được thì người tiêu dùng Việt Nam phải thực sự yêu hàng của mình trước.”

 Ảnh minh hoạ

Về trụ cột thứ 3 đó là tiêu dùng nội địa. Mọi người đều biết cách sản xuất ra của cải cho xã hội nhưng lại không giải bài toán đầu ra mà cụ thể đó là bài toán tiêu dùng nội địa thì hiệu quả sẽ không cao. Điều này còn khiến hàng hóa bị mất giá, ứ đọng... Nhiều năm nay, câu chuyên được mùa mất giá của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn đó chưa được khắc phục.

Người nông dân chưa làm chủ ruộng đất của mình về mọi phương diện, chưa "sống khỏe" trên đồng ruộng của mình. Và họ chưa được hưởng lợi nhuận tương xứng với công sức bỏ ra. Các nước khác đều đánh giá tiềm năng ở thị trường nội địa Việt Nam là rất lớn khi tổng mức tiêu dùng cuối cùng của toàn dân chiếm tới 65 – 70% GDP. Thêm vào đó, thị trường nội địa có nhiều yếu tố tạo nên sức hút với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Câu hỏi đặt ra tại sao Việt Nam vẫn còn những sự lạc hậu và trì trệ không đáng có ở lĩnh vực tiêu dùng nội địa. Có thể kể ra một số nguyên nhân chính sau đây. Trước hết, vấn đề lớn nhất cần quan tâm đó là mua bán hàng hóa ở Việt Nam ít được công khai minh bạch. Hình thức "mua đứt bán đoạn" qua nhiều trung gian là chủ yếu, hầu hết người bán buôn hàng hóa không ai chịu trách nhiệm đến cùng về giá cả và chất lượng hàng hóa của mình. Hiện tượng thao túng, ép giá mua, giá bán của một số thương lái và một số nhà bán lẻ hiện đại có thế mạnh hiện nay dẫn tới thua thiệt cho người sản xuất ra của cải vật chất xã hội, đặc biệt là người nông dân Việt Nam.

Ngoài ra, dư luận còn thấy thiếu vắng sự can thiệp hợp lý của Bộ Công thương, Hiệp hội ngành bán lẻ, các Sở Công thương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng về những tồn tại đã nêu ở trên. Có cơ quan quản lý còn cho rằng phải chấp nhận tình trạng mua bán bất bình đẳng trên thị trường hiện nay do kinh tế Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, họ chưa hiểu đầy đủ rằng hiện nay Việt Nam đang phấn đấu tiến tới một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chịu sự quản lý của nhà nước.

Những vấn đề ở trên nêu ra cho thấy hệ thông phân phối tiêu dùng ở Việt Nam hiện còn yếu kém cả về nhận thức và hành động. Hàng hóa những năm gần đây dù đã sản xuất chất lượng hơn và dồi dào hơn nhưng chiếc “nút cổ chai phân phối” còn bị ách tắc vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan. Có lẽ trong thời gian sắp tới, cần một cuộc đổi mới mạnh mẽ trong hệ thống thị trường nội địa ở Việt Nam sao cho hàng hóa nhất là hàng hóa Việt được xuất hiện nhiều hơn trên các kệ siêu thị, các chợ, các cửa hàng tạp hóa. Các kênh phân phối phải mở rộng cửa để đón hàng Việt và chúng ta cần kiên quyết làm chủ mạng lưới phân phối trên "sân nhà".

Còn nhớ, Thủ tướng Chính phủ đã từng có chỉ đạo: “Lợi nhuận hài hòa, rủi ro chia sẻ.” Điều này rất phù hợp với tính nhân văn, chia sẻ của cộng đồng trong chuỗi sản xuất, lưu thông và tiêu dùng xã hội đang được đề cao, tôn vinh. Nếu cần thiết phải đề nghị luật hóa việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị quan trọng của đất nước trong một vài năm tới để khắc phục những tình trạng bất hợp lý kéo dài đã nêu ở trên. Đi đôi với tổ chức lại hệ thống phân phối cần phải kiểm tra xử lý một cách thường xuyên, hiệu quả những tổ chức cá nhân buôn lậu, gian lân thương mại, sản xuất kinh doanh nhập khẩu hàng giả làm thiệt hại cho sản xuất trong nước và người tiêu dùng.

Kỉ luật trong sản xuất, lưu thông phải đủ sức răn đe với những vi phạm, tôn vinh những thương hiệu sản xuất bán lẻ làm ăn chân chính, tử tế, có trách nhiệm với thị trường. Nêu lên 3 trụ cột chính trên đây để cho thấy cần phải đẩy mạnh phát triển và tăng cường các trụ cột trên cùng với sự phát triển đồng bộ của các lĩnh vực khác của nền kinh tế như giao thông vận tải, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ...

Phát triển nhanh và bền vững các trụ cột trên chắc chắn sẽ góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2022. Dưới sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự tham mưu của các Bộ, ngành cùng các địa phương và nhất là sự cố gắng của các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, sự ủng hộ của người tiêu dùng thì chúng ta cùng kỳ vọng sẽ có một bức tranh kinh tế ngày càng sáng sủa hơn trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang