4 giai đoạn triển khai công cụ MFCA trong doanh nghiệp

(VietQ.vn) - Từ kinh nghiệm thực tế, các chuyên gia đã đúc kết ra kế hoạch triển khai để đảm bảo sự thành công trong áp dụng MFCA, bao gồm các giai đoạn thực hiện như sau: Giai đoạn 1: Chuẩn bị; Giai đoạn 2: Thu thập số liệu; Xác định lãng phí dòng nguyên liệu; Giai đoạn 3: Thực hiện - Kiểm tra; Giai đoạn 4: Tổng kết - Đánh giá - Duy trì.
Doanh nghiệp Thanh Hóa coi trọng nâng cao năng suất gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm
Nâng cao năng suất, chất lượng: Giải pháp cho ngành ô tô
Công cụ MFCA về hạch toán chi phí dòng nguyên liệu được nhiều doanh nghiệp quan tâm và áp dụng. Ảnh minh họa.
Theo đó, ở giai đoạn 1, lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp cần đưa ra thông báo chính thức về quyết định thực hiện MFCA và chia sẻ với toàn bộ cán bộ, nhân viên về sự quyết tâm thực hiện kế hoạch đó, đồng thời kêu gọi sự tham gia của tất cả mọi người. Thông báo này có thể được trình bày dưới dạng một bài phát biểu chính thức của lãnh đạo nhằm giới thiệu mục tiêu, lợi ích của việc áp dụng MFCA, cũng có thể nêu lý do quyết định thực hiện MFCA tại doanh nghiệp của mình.
Một môi trường làm việc tốt, tôn trọng quyền tự chủ sẽ khuyến khích sự sáng tạo và cải tiến của cán bộ, nhân viên. Bên cạnh đó, cần triển khai các hoạt động tuyên truyền, cổ động phát động phong áp dụng MFCA trong doanh nghiệp, đồng thời ban hành quy định và hướng dẫn có liên quan.
Doanh nghiệp cần thiết kế, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo phù hợp cho từng cấp để cung cấp kiến thức cần thiết cho cán bộ, nhân viên nhằm hiểu rõ phương pháp áp dụng MFCA vào doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Trong đó, doanh nghiệp cần thành lập Nhóm cải tiến, đây là yếu tố quan trọng để khởi động, điều phối và giám sát các giải pháp, đề tài cải tiến. Nhóm phải bao gồm các thành viên trong công ty với sự trợ giúp, hỗ trợ của chuyên gia tư vấn khi cần thiết. Thành viên nhóm được tập hợp từ nhiều phòng ban là yếu tố tối cần thiết nhằm tránh khó khăn có thể gặp phải từ nội bộ (chẳng hạn như từ các nhân viên khác trong công ty) cũng như là bên ngoài.
Giai đoạn 2, Nhóm cải tiến cần được đào tạo gồm các nội dung: Xây dựng sơ đồ dòng nguyên vật liệu; Phân tích dòng nguyên vật liệu; Xác định các dòng thải, hao phí; Hạch toán chi phí nguyên vật liệu; Xác định tiềm năng cải tiến; Đề xuất và sàng lọc giải pháp.
Theo đó, vẽ sơ đồ quá trình sản xuất. Xác định sản phẩm mục tiêu, đường đi, quá trình. Tiến hành phân tích sơ bộ về quá trình được chọn là mục tiêu, xác định các công đoạn. Song song với đó là xác định và phân tích kết quả tính toán theo MFCA (chi phí sản phẩm lãng phí và những nguyên nhân phát sinh ra nó trong quá trình).
Thành lập Nhóm cải tiến là yêu cầu quan trọng khi doanh nghiệp áp dụng MFCA. Ảnh minh họa.
Giai đoạn 3, xác định tiềm năng cải tiến bao gồm nguyên vật liệu lãng phí và việc tiết giảm chi phí. Quá trình xác định các điểm cần cải tiến trong việc áp dụng MFCA bao gồm: Nguyên vật liệu; Chất thải; Lưu kho và xử lý nguyên vật liệu; Nước và nước thải; Năng lượng; An toàn lao động và bảo vệ sức khỏe.
Những vấn đề cần cải tiến trên cần được phân tích làm rõ những điểm trọng yếu cần nhấn mạnh trong quá trình sàng lọc và tính toán lãng phí từ đó có thể đưa ra giải pháp phù hợp nhằm giảm lãng phí và tránh những tác động xấu đến môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
Giai đoạn 4, việc tổ chức thực hiện đánh giá quá trình áp dụng MFCA phải đáp ứng 2 yêu cầu bao gồm đảm bảo rằng đơn vị thực hiện đã áp dụng đầy đủ theo đúng trình tự các bước MFCA đã quy định cũng như xem xét tính hiệu quả của việc áp dụng MFCA thông qua số liệu hoặc hình ảnh đầu vào so sánh với số liệu và hình ảnh đầu ra. Trong thực tế đòi hỏi người đánh giá cần phải có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt đối với đánh giá hiệu lực và hiệu quả của đơn vị áp dụng MFCA thì người thực hiện đánh giá còn cần có kiến thức về tài chính, điều này sẽ cho phép đánh giá viên thực hiện tốt khả năng phân tích cũng như có kết luận đúng đắn mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Mai Phương