5,5 tấn phân bón không đạt tiêu chuẩn được phát hiện tại Tiền Giang

author 16:13 17/03/2023

(VietQ.vn) - Tổng cộng 5,5 tấn phân bón với trị giá gần 100 triệu đồng được phát hiện tại 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, hậu quả bị xử phạt hơn 125 triệu đồng.

Mới đây, Đội Quản lý Thị trường (QLTT) số 5 đột xuất kiểm tra 2 hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Đoàn kiểm tra ghi nhận tại thời điểm kiểm tra cả 2 cơ sở này không niêm yết giá mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, bằng biện pháp nghiệp vụ, Đoàn nhận thấy phân bón tại đây có vấn đề. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy 4 mẫu phân bón gửi kiểm nghiệm chất lượng. Kết quả, 3 mẫu phân bón NP, NPK các loại không đảm bảo chất lượng.

Sau đó, Đội QLTT số 5 tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính đối với 2 hộ kinh doanh về hai hành vi vi phạm: Không niêm yết giá hàng hóa và bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Tang vật vi phạm là 5,5 tấn phân bón với tổng trị giá gần 100 triệu đồng.

Đội QLTT số 5 hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị Cục QLTT tỉnh Tiền Giang trình và Chủ tịch UBND tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 trường hợp vi phạm với tổng số tiền hơn 125 triệu đồng. Được biết, trước đó không lâu, tại tỉnh Tiền Giang cũng phát hiện một cơ sở kinh doanh 1,4 tấn phân bón NPK các loại có chất lượng không phù hợp quy chuẩn tương ứng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 16 triệu đồng.

 Cơ quan chức năng đang kiểm tra lấy mẫu phân bón. 

Gần đây, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ lượng lớn phân bón giả, không đạt chuẩn chất lượng. Thậm chí, việc làm giả này còn có sự móc nối trong và ngoài nước bằng việc cung cấp nguyên liệu kém chất lượng, đưa vào Việt Nam đóng gói gây ảnh hưởng lớn đến thị trường phân bón trong nước.

Tiền Giang là nơi tiêu thụ lượng phân bón lớn nhất khu vực ĐBSCL và là nơi “quy tụ” hầu hết thương hiệu phân bón tại thị trường Việt Nam, chính vì thế, có nhiều nhãn hàng tuyên bố vào được Tiền Giang tức vào được ĐBSCL. Tuy nhiên, có đến 98% cơ sở kinh doanh (779 cơ sở) trên địa bàn tỉnh là kinh doanh, chỉ có 2% (16 cơ sở) là sản xuất. Chính vì thế, việc “tuồn” hàng giả, hàng kém chất lượng bằng nhiều hình thức tinh vi, chuyên nghiệp vào thị trường này cũng rất lớn.

Thông thường, đối tượng làm phân bón giả chỉ đưa số lượng rất ít vào từng đại lý với giá thấp hơn giá thị trường để bán cho nhanh nhằm tránh bị kiểm tra. Hoặc lợi dụng trình độ nhận thức của bà con còn hạn chế đề dòng chữ “phân bón chất lượng cao”, ghi bằng tiếng nước ngoài. Nhiều phân bón sản xuất tại Trung Quốc 100%, bao bì lại ghi “made in PRC”, “Technology from USA”, “Technology from Philippines”... để lừa người mua và đã thành công.

Căn cứ Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón, mức phạt tiền tối đa cho hành vi vi phạm hành chính lĩnh vực phân bón đối với cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả cũng được quy định tại Bộ luật Hình sự với mức xử phạt như: phạt tù, phạt tiền đối với từng trường hợp. Ngoài ra, còn có các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc cấm kinh doanh, cấm làm một công việc hoặc hoạt động trong một lĩnh vực nhất định, tịch thu tài sản. 

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang