6 thách thức của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Chuyện kể về tân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Bộ trưởng Vũ Đức Đam và niềm tin gửi gắm
Bộ trưởng Vũ Đức Đam: "Tuổi thơ tôi hạt cơm rơi xuống cũng phải nhặt"
Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói về trụ sở "cửa quan" to như cung điện
Đảm nhiệm chiếc ghế nóng với những ngành gần gũi với dân sinh, được sự giúp sức của nhiều “Tư lệnh ngành” có chuyên môn giỏi và năng động… nhưng tân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức.
Nhức nhối ngành Y
Khi bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xác bệnh nhân của mình xuống sông Hồng, cũng là lúc ngành y nhận lấy những “giọt nước tràn ly” của dư luận. Đạo đức của thầy thuốc, cách thức phục vụ của nhân viên y tế, sự quá tải bệnh viện tuyến trên, sự bất cẩn của y tế tuyến dưới, việc “bát nháo” của y tế tư nhân…khiến chiếc ghế của Bộ trưởng Y tế lúc nào cũng “nóng”.
Dù Chính phủ đã và đang mở rộng nhiều bệnh viện vệ tinh, dù ngành Y chưa bao giờ ngừng hô hào về y đức, dù năm nào cũng thanh kiểm tra…nhưng nếu tiếp tục để xảy ra liên tiếp scandal gây hậu quả nghiêm trọng, thì không chỉ có cán bộ địa phương phải chịu tội, mà người dân có quyền đặt dấu hỏi với trách nhiệm của những người ở cấp cao hơn.
Bệnh “sĩ” ngành Giáo
Thời nay, không ai muốn con mình bị coi là “vô công rồi nghề” hoặc phải làm những việc “chân tay” như nông dân và công nhân với thu nhập “bèo bọt”. Thế nên, tuổi thơ của học sinh bây giờ phải “cõng” theo ước mơ của người lớn, phải vào được các trường danh giá, đạt được thành tích cao…
Bệnh thành tích từ gia đình và nhà trường vì thế mà chưa giảm, dù Bộ trưởng Giáo dục đã cho phép điều mà chưa người tiền nhiệm nào tiến hành, là để học sinh được mang camera vào phòng thi.
Dẫu sao, những tia sáng từ Đề án Đổi mới giáo dục, với những cải cách từ sách giáo khoa đến thi ĐH, dưới sự chỉ huy của nhà kinh tế Phạm Vũ Luận…đang thắp lên hy vọng cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
Đương nhiên, trong giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ “Thượng thư” đã được nhìn thấy hậu quả của việc “rập khuôn” phương Tây khi mở rộng hàng loạt các ĐH, sinh ra vô số cử nhân, kỹ sư, tiến sĩ…đi chạy bàn, bán trà đá. Hóa ra, “mặt trăng ở Mỹ cũng không tròn hơn mặt trăng Việt Nam”.
“Vườn cải” trong làng truyền thông
Những phóng viên tử tế, cẩn trọng trong từng câu chữ…giờ đây có thể bị các bậc “đàn em trồng cải” nhếch mép cười vì “view” bài viết và thu nhập ít hơn. Văn hóa PR của doanh nghiệp chưa được coi trọng, nên “view” sẽ đi kèm với tiền quảng cáo, kéo theo các đề tài câu khách, khai thác mặt tối của cuộc sống.
Nhưng ở chiều ngược lại, không phải lúc nào người dân cũng được đọc, được xem, được nghe kể về những tấm gương sáng, bình dị mà cao quý…được viết công phu, dưới nhãn quan của những nhà báo sắc sảo, tâm huyết với nghề.
Mạnh tay “diệt cải” nhưng cũng phải thường xuyên tạo ra “thức ăn bổ dưỡng” cho tâm hồn, tính cách người Việt, đòi hỏi người cầm bút và lãnh đạo của họ không chỉ thích đi dự họp mà cần quăng mình vào thực tiễn. Đó là áp lực không dễ để Bộ chủ quản đặt ra với các cơ quan truyền thông được hay không được bao cấp.
“Ôi Văn hóa, ôi ngữ nghĩa Việt Nam”
Đây là một tên bài của báo Đại biểu Nhân dân ngày 14/6, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch hiện nay cũng có nhiều từ “ôi” cần khắc phục.
Việc biểu diễn hở hang của các “sao”, lối sống theo mặt trái của phương Tây, dịch vụ du lịch thiếu chuyên nghiệp, chuyện ông bầu – cầu thủ trong môn thể thao vua…phải được giải quyết tận gốc.
Đừng biến học nghề thành cớ “giải ngân”
Kinh phí ngân sách để đào tạo nhân lực phục vụ “tam nông” không hề nhỏ, với hàng loạt trường nghề mọc lên ở cấp huyện, chứ chưa nói ở cấp tỉnh, cấp Trung ương.
Nhưng để người dân sinh sống ở nông thôn không phải lên thành phố mưu sinh, để danh sách những chiếc máy “đắp chiếu” không nối dài…đòi hỏi người lập và duyệt dự án phải vì dân và dám chịu trách nhiệm về tính hiệu quả của chúng.
Ngành Lao động – Xã hội hiện nay còn gặp rất nhiều trở ngại khi nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, “bùng” các khoản bảo hiểm, dẫn đến người lao động không được đóng các khoản cần thiết.
Luôn tự nhận là “trọng tài” giữa doanh nghiệp và người lao động, nhưng ngành mà Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đảm nhiệm thừa hiểu, chưa bao giờ báo chí và người dân “tuýt còi” nếu họ ủng hộ hơn những người lao động Việt, vốn hay tự ti, yếu thế.
Đưa kết quả nghiên cứu thành sản phẩm thương mại
Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam có một mặt tiền rất đẹp và dài, nằm trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Không như nhiều cơ quan công lập khác, viện không hề “xẻ đất” cho tư nhân thuê. Nhưng ngược lại, phòng trưng bày sản phẩm ở cổng của viện này, chỉ vẻn vẹn bày bán men Lactomen, giúp các cháu nhỏ hay ăn…chứ chưa có nhiều sản phẩm khác.
Nhà khoa học vốn được biết đến là những người có học thức, có lối sống trong sạch, đàng hoàng. Nhưng không phải nhà khoa học nào cũng là người giỏi kinh doanh, biết biến nghiên cứu của mình thành sản phẩm thương mại hóa, đến được từng người dân, gia đình…
Thế nên, một người cũng từng được đào tạo cơ bản về khoa học kỹ thuật như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ có nhiều việc để làm, trên con đường đem KHCN để chấn hưng kinh tế.
Người ít họp hành hình thức Một cuộc họp phát động phong trào y đức của bác sĩ có lẽ không thiết thực bằng việc đi thực tế ở các bệnh viện, để hiểu dân tình – thế thái, để từ đó đề ra chính sách phù hợp. |
Hoàng Tuân