6 tháng qua, Hà Nội xử lý gần 13.400 vụ buôn lậu và gian lận thương mại

author 06:21 16/07/2021

(VietQ.vn) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng Hà Nội đã xử lý hành chính 13.369 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2021, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã thanh tra, kiểm tra 15.647 vụ việc, qua đó xử lý hành chính 13.369 vụ vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

Các cơ quan chức năng cũng đã khởi tố 60 vụ, với 92 đối tượng. Các vụ việc xử lý hành chính gồm hàng cấm, hàng lậu 2.205 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 717 vụ; gian lận thương mại 10.447 vụ.

Thống kê tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu hơn 1.550 tỷ đồng. Trong đó, phạt hành chính hơn 437 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra (gồm lực lượng công an, lực lượng hải quan, lực lượng thuế) gần 1.113 tỷ đồng, tiền bán hàng hóa là 522 triệu đồng.

Được biết, thời gian vừa qua tình hình buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, gian lận thương mại và vận chuyển hàng hóa qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số chuyến bay hành khách giảm. Đáng chú ý, lực lượng hải quan Hà Nội phát hiện nhiều vụ việc vi phạm pháp luật như: vi phạm khai hải quan, chậm nộp hồ sơ thanh khoản hàng gia công, sản xuất xuất khẩu, không thực hiện tái xuất, tái nhập hàng hóa đúng thời hạn đã đăng ký với cơ quan hải quan...

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn thành phố vẫn còn xảy ra với tình trạng hàng giả tập trung chủ yếu ở một số hàng hóa có chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các doanh nghiệp uy tín, giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa. Ảnh minh họa 

Do đó, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho biết đã xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm; các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời gian qua; cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu; các đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhằm ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Liên quan tới vấn đề trên, Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Dự thảo dự kiến sửa đổi, bổ sung 18 nhóm nội dung, trong đó tập trung vào sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của các chức danh chủ tịch UBND các cấp, công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, thanh tra, quản lý thị trường, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quy định về một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng được sửa đổi để bảo đảm phù hợp với quy định quản lý nhà nước và xác định dễ dàng hơn trong xử phạt vi phạm hành chính.

Dự thảo nêu rõ thẩm quyền xử phạt của quản lý thị trường. Theo đó, kiểm soát viên thị trường đang thi hành công vụ có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền đến 500.000 đồng.

Đội trưởng Đội Quản lý Thị trường, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 25 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt.

Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến 50 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn…

Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường có quyền phạt tiền đến mức tối đa quy định tại Nghị định này, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.

Theo dự thảo, thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND các cấp như sau: Chủ tịch UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng. Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền 50-100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến mức tối đa theo quy định tại Nghị định này và tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn…

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất thẩm quyền xử phạt của công an nhân dân, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, thanh tra, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia…

Bảo An (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang