Amazon tung 'chiêu lạ' với thị trường Việt Nam

author 06:26 15/03/2018

(VietQ.vn) - Amazon sẽ phối hợp với VECOM tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn doanh nghiệp Việt Nam về kỹ năng hệ sinh thái thương mại điện tử .

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2018 (VOBF), ông Gijae Seong - Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Amazon tại Singapore cho hay, nhà bán lẻ trực tuyến này đang xây dựng đội ngũ để phát triển ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc xây dựng đội ngũ để giúp các cá nhân, doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam có thể tiếp cận với khách hàng toàn cầu.

Cũng theo chia sẻ của ông Gijae Seong, thị trường bán lẻ và bán hàng toàn cầu đang phát triển nhanh chóng hơn 51% mặt hàng được bán trên Amazon đều đến từ bên thứ 3 và 25% doanh số bán lẻ này thuộc về ngừời bán quốc tế. Ông cũng nêu ra câu chuyện khởi nghiệp từ Amazon thành công của người Việt Nam. Đồng thời cho biết, Amazon sẽ trở thành công cụ bán hàng của người Việt Nam để mở rộng thị trường thế giới.

Amazon cho biết, họ đã nghiên cứu, phân tích về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, từ đó đưa ra chiến lược, kế hoạch cụ thể về việc chính thức gia nhập thị trường của Amazon tại Việt Nam. Thông qua VOBF 2018, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể bán hàng, xuất khẩu qua hệ thống mạng lưới tổ chức của nhà bán lẻ trực tuyến lớn hàng đầu thế giới này.

Ông Gijae Seong, Giám đốc bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore. Ảnh: Trí thức trẻ 

Thời gian đầu, Amazon sẽ phối hợp với VECOM tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp kỹ năng vận hành, khai thác các công nghệ, giải pháp và dịch vụ trong hệ sinh thái thương mại điện tử của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, có một điều khiến không ít nhà kinh doanh cảm thấy hụt hẫng là trong suốt cuộc trò chuyện, đại diện Amazon cũng không cho thấy kế hoạch nào về việc sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM cho biết, Amazon không vào Việt Nam như cách các trang thương mại điện tử khác như Lazada, nghĩa là sẽ không đặt một trang cụ thể ở Việt Nam. Thay vào đó, Amazon sẽ phối hợp với VECOM để đưa chuyên gia, giáo trình vào Việt Nam nhằm hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cách giao dịch, buôn bán trên Amazon.

"Amazon nhận thấy có rất nhiều website nhận đơn mua hàng về Việt Nam, trong khi đó, ở chiều ngược lại, hầu như không có doanh nghiệp Việt Nam nào rao bán sản phẩm trên Amazon. Vì vậy, họ muốn thúc đẩy theo chiều ngược lại, nghĩa là đưa sản phẩm Việt Nam ra toàn cầu", ông Dũng cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch VCOM, Amazon dù có mạng lưới rộng nhưng tại châu Á mới chỉ có 3 thị trường, nên Việt Nam sẽ là một lựa chọn để Amazon thử nghiệm. Đây cũng chính là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, ông Dũng cho rằng cần nhìn nhận một thực tế là thủ tục để doanh nghiệp Việt Nam có thể bán được hàng ra toàn cầu thông qua Amazon là khá phức tạp. Ông hy vọng, khóa đào tạo ngắn được tổ chức vào tháng 4 tới sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tháo gỡ được rào cản này, để mang hàng Việt đến với thị trường toàn cầu.

Theo ông Gijae Seong, thị trường bán lẻ toàn cầu đang có xu hướng chuyển qua thương mại điện tử, và có thể đạt mức tăng trưởng 100% trong 4 năm tới.

Còn theo báo cáo từ VECOM, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đã đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục, đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Phong Lâm

Amazon, Walmart, eBay... bán 'đầy rẫy' hàng giả(VietQ.vn) - Theo một báo cáo mới, Urban Decay và hàng loại sản phẩm gồm mỹ phẩm, đồ điện tử từ các trang mua bán trực tuyến như Amazon, Walmart, eBay, Sears Marketplace và Newegg là hàng giả mạo.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang