An Giang: Phát hiện và tạm giữ nhiều hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ

author 06:14 21/09/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã thu giữ một lượng lớn hàng hóa tiêu dùng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cụ thể, lực lượng Liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang vừa phối hợp cùng Công an phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu phát hiện số lượng lớn hàng hoá vô chủ, nghi vấn hàng hoá nhập lậu.

Theo đó, trên đường tuần tra chống buôn lậu tại địa bàn thị xã Tân Châu, khi đến khu vực cạnh chành xe “Hiệp Thành” thuộc tổ 17, khóm Long Thạnh A, phường Long Thạnh, Tổ công tác Liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phát hiện nhiều thùng giấy có dấu hiệu nghi vấn mà không có người trông giữ. 

 Số hàng hóa bị lực lượng chức năng thu giữ

Tiến hành kiểm tra, Tổ công tác phát hiện bên trong các thùng giấy có chứa số lượng lớn hàng hoá xuất xứ nước ngoài và không rõ nguồn gốc, nghi vấn hàng hoá nhập lậu gồm: trên 936 tuýp, chai kem, nước trang điểm và thuốc nhuộm màu; 360 hộp kem dưỡng trắng da và kem đánh răng; 600 cây bàn chải đánh răng và 216 chai dung dịch vệ sinh phụ nữ. Tổng giá hàng hóa khoảng 60 triệu đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, không ai đến thừa nhận là chủ sở hữu số hàng hoá trên. Tổ công tác tiến hành bàn giao vụ việc cho Đội Cảnh sát kinh tế, Công an thị xã Tân Châu lập biên bản tạm giữ hàng hoá để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Trong cùng ngày, Công an tỉnh An Giang, Công an huyện An Phú (An Giang) vừa phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục QLTT tỉnh) kiểm tra kho hàng trên địa bàn xã biên giới Khánh An, phát hiện tạm giữ nhiều phương tiện xe mô tô, ô tô cùng số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không có tên trong danh mục BVTV tại Việt Nam.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện trong khu vực kho có 03 kiện hàng trọng lượng khoảng 300 kg, 4 xe mô tô đều đã qua sử dụng (trong đó có 1 xe mô tô biển kiểm soát Campuchia) và 01 xe ô tô tải, biển kiểm soát 76C- 135.53 do Nguyễn Văn Bảo (sinh năm 1997) điều khiển đi cùng Nguyễn Văn Sếp (sinh năm1993), cùng trú tại xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Tiến hành kiểm tra xe ô tô tải, phát hiện trong thùng xe có 31 thùng giấy chứa thuốc BVTV các loại không có tên trong danh mục BVTV tại Việt Nam và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua làm việc, Sếp và Bảo khai nhận vận chuyển thuê cho người khác số thuốc BVTV trên.

Tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với Bảo, Sếp; đồng thời lập biên bản tạm giữ các phương tiện cùng tang vật để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ, xử lý theo quy định.


 

Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT

Để đạt năng suất cao trong nông nghiệp việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là cần thiết, để đảm bảo chất lượng đối với sản phẩm thuốc BVTV, Bộ NN&PTNT trước đó, đã ban hành Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT. Quy chuẩn quy định mức giới hạn chỉ tiêu chất lượng đối với thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; đánh giá sự phù hợp và công bố hợp quy thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam.

Quy chuẩn QCVN 01-188:2018/BNNPTNT yêu cầu đối với chỉ tiêu vi sinh vật có trong các dạng thuốc bảo thực vật thành phẩm, mật độ vi sinh vật sống phải được đăng ký và khi xác định, mật độ trung bình không nhỏ hơn 10 lần mật độ đã đăng ký. 

Liên quan tới hình thức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau:

1) Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây:

a) Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

c) Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang