Tiêu chuẩn quốc gia về Quản trị nguồn nhân lực - yếu tố sống còn của tổ chức, doanh nghiệp

author 06:30 29/01/2022

(VietQ.vn) - Trong nền kinh tế mở hiện nay, trước sự biến động mạnh mẽ của môi trường kinh doanh, tính chất khốc liệt của cạnh tranh và nhu cầu đòi hỏi được đáp ứng ngày càng cao của nhân viên đã và đang là sức ép lớn đối với các tổ chức. Trong đó, vấn đề quản lý nguồn nhân lực một cách hữu hiệu là một trong các yếu tố mang tính chất sống còn.

Mặc dù có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhưng những thách thức đối với quản trị nguồn nhân lực trong các tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam còn rất lớn. Khó khăn và thách thức lớn nhất hiện nay không phải thiếu vốn hay trình độ trang bị kỹ thuật chưa hiện đại mà là làm thế nào để quản lý nguồn nhân lực có hiệu quả; làm cách nào để thu hút, giữ chân nhân tài; cách thức duy trì và phát triển nguồn tri thức của tổ chức; duy trì và quản lý việc làm bền vững,…

Bộ TCVN về quản trị nguồn nhân lực được xây dựng trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tiêu chuẩn quốc tế ISO tương ứng, có thể giúp các tổ chức thuộc mọi quy mô, loại hình cải thiện hiệu quả quản lý nguồn nhân lực, khắc phục những khó khăn, sẵn sàng đối mặt với thách thức.

Bộ TCVN (ISO) này là sản phẩm kết tinh từ tri thức của đội ngũ chuyên gia đầu ngành quốc tế và trong nước, do đó sẽ là những công cụ rất hữu hiệu và thiết thực cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp.

Cụ thể, trong năm 2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quyết định công bố 06 TCVN: TCVN 12288:2018 (ISO 30400:2016), Quản lý nguồn nhân lực – Từ vựng; TCVN 12289:2018 (ISO 30405:2016) Quản lý nguồn nhân lực – Hướng dẫn tuyển dụng; TCVN 12290:2018 (ISO 30408:2016), Quản lý nguồn nhân lực – Hướng dẫn quản trị nhân sự; TCVN 12291:2018 (ISO 30409:2016), Quản lý nguồn nhân lực – Hoạch định lực lượng lao động; TCVN 12292-1:2018 (ISO 10667-1:2011), Cung cấp dịch vụ đánh giá – Quy trình và phương pháp đánh giá con người trong công việc và môi trường tổ chức – Phần 1: Yêu cầu đối với khách hàng; TCVN 12292-2:2018 (ISO 10667-2:201), Cung cấp dịch vụ đánh giá – Quy trình và phương pháp đánh giá con người trong công việc và môi trường tổ chức – Phần 2: Yêu cầu đối với nhà cung cấp dịch vụ.

Mới đây, tại Quyết định số 3736/QĐ-BKHCN ngày 24/12/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chính thức công bố thêm 03 TCVN: TCVN ISO 30401:2020 (ISO 30401:2018), Hệ thống quản lý tri thức – Các yêu cầu; TCVN 13106:2020 (ISO/TR 30406:2017), Quản lý nguồn nhân lực – Quản lý việc làm bền vững cho tổ chức; TCVN 13107:2020 (ISO/TS 30414:2018), Quản lý nguồn nhân lực – Hướng dẫn báo cáo vốn nhân lực nội bộ và bên ngoài.

Tổ chức nào cung cấp cơ hội bình đẳng và đánh giá cao phẩm chất của từng nhân viên thì công việc hay cơ hội kinh doanh tổ chức đó sẽ tốt hơn. Cải thiện hiệu quả công việc, tăng cường đổi mới và gắn kết hơn của nhân viên chỉ là một số trong rất nhiều lợi ích mà văn hóa hòa nhập của tổ chức có thể mang lại, nhưng điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được. Tiêu chuẩn quốc tế ISO 30415 mới được xuất bản với mong muốn hỗ trợ các tổ chức thực hiện điều này.

ISO 30415, Quản lý nguồn nhân lực - Đa dạng và hòa nhập, cung cấp các nguyên tắc cơ bản cho các tổ chức mong muốn tạo ra một nơi làm việc hòa nhập và tận dụng cơ hội mà điều này có thể mang lại. Tiêu chuẩn đề cập đến các hành động, nguyên tắc, biện pháp cũng như trách nhiệm giải trình và trách nhiệm liên quan đi kèm, đồng thời có tính đến bối cảnh riêng của từng nơi làm việc.

Theo Jim Lewis, Trưởng Ban kỹ thuật ISO xây dựng tiêu chuẩn, việc tạo ra một văn hóa tổ chức thực sự hòa nhập đòi hỏi nhiều hơn đơn thuần là có mục đích tốt.

Khả năng tiếp cận công việc và con đường sự nghiệp một cách công bằng và bình đẳng, cũng như cơ hội để mọi nhân viên được lắng nghe và tôn trọng, liên quan đến việc lồng ghép một cách sâu sắc các nguyên tắc về sự đa dạng và hòa nhập trong chính sách và thông lệ của tổ chức.

ISO 30415 giúp tổ chức thực hiện điều này trong toàn bộ vòng đời làm việc, cũng như trong chuỗi cung ứng và mối quan hệ với các bên liên quan. Cần có cách tiếp cận cải tiến liên tục để đạt được các mục tiêu đa dạng và hòa nhập, đồng thời hỗ trợ các quá trình xác nhận của bên ngoài. 

Việc sử dụng tiêu chuẩn sẽ giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện cam kết về sự đa dạng và hòa nhập đối với nhân viên và các bên liên quan, cũng như xác định cơ hội mới để tạo ra một văn hóa hòa nhập.

Ngọc Bích

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang