Áp dụng TPM và những mô hình hiệu quả từ doanh nghiệp điển hình

author 14:34 13/05/2020

(VietQ.vn) - Dự án “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” thuộc Chương trình quốc gia về “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” của Chính phủ do Bộ Công thương chủ trì đã triển khai phương pháp TPM cho nhiều doanh nghiệp và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Thông tin từ Vụ KH&CN, Bộ Công Thương cho hay, trong năm 2018-2019, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho 24 doanh nghiệp điển hình áp dụng công cụ TPM. Các hoạt động chính đã được triển khai tại 24 doanh nghiệp điển hình bao gồm hoạt động hướng dẫn về các trụ cột AM, PM, FI, HSE, E&T…; xây dựng và duy trì các quy trình quản lý, bảo dưỡng thiết bị; đào tạo nội bộ hướng tới mục tiêu không phế phẩm, không sự cố dừng máy, không hao hụt và không tai nạn.

Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (TCI) là mô hình điểm rất thành công về áp dụng TPM tại doanh nghiệp do Bộ Công Thương triển khai.

Trong giai đoạn 2019-2020, Bộ Công Thương đã tổ chức chương trình hỗ trợ tư vấn cho các nhà máy, công ty sản xuất về TPM thông qua nhiệm vụ “Xây dựng và áp dụng bộ công cụ và phần mềm hỗ trợ TPM cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp” nhằm mục đích tiếp tục phổ biến, nhân rộng những lợi ích mà TPM mang lại cho doanh nghiệp. Trong đó, thời gian qua, có thể kể đến hàng loạt điển hình áp dụng công cụ TPM như: Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (TCI); Công ty TNHH MTV Động Cơ và Máy Nông Nghiệp Miền Nam (SVEAM); Trung tâm thiết bị ngân hàng Tân Huy Hoàng; Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng; Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh; Công ty Cường Vinh…

Theo đó, chỉ sau thời gian ngắn áp dụng TPM nhiều doanh nghiệp đã có những cải tiến đáng kể. Thực tiễn từ Công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường (TCI) cho thấy, để nâng cao năng suất chất lượng trong sản xuất, TCI đã hưởng ứng tham gia chương trình áp dụng TPM vào sản xuất của Bộ Công Thương từ tháng 8/2019 và bắt đầu triển khai từ tháng 10 đến tháng 12/2019. Chỉ trong thời gian ngắn, TCI đã nhanh chóng tạo lập nền tảng cho 3 trụ cột triển khai với phạm vi áp dụng tại máy phay CNC 1-2, máy tiện CNC 2 thuộc phòng sản xuất số 1. Ngoài ra, Công ty đã thu được lợi ích về quản lý trực quan, tác phong nề nếp nhân viên, quản lý sản xuất và hiệu quả về mặt năng suất thiết bị.

Trong thời gian triển khai dự án TPM, Công ty đã khởi động 1 đề tài cải tiến có sự tham gia của trưởng phòng sản xuất 1, quản lý bộ phận bảo dưỡng thiết bị sản xuất 1, tổ trưởng sản xuất, nhóm trưởng CNC và nhân viên bảo dưỡng. Về quản lý sản xuất, TCI đã đào tạo và hướng dẫn các công việc kiểm tra, vận hành thiết bị cho người vận hành thiết bị theo trụ cột AM nên máy móc đã được chăm sóc và bảo dưỡng tốt hơn, sạch sẽ hơn. Các giải pháp lâu dài đã được áp dụng thay cho các giải pháp tạm thời trước đây như dùng dây thừng để bó tạm các đường ống, dùng giẻ để xử lý các vị trí rò rỉ nước, rò rỉ khí…

Về hiệu quả năng suất, TCI đã giảm được thời gian chuyển đổi sản phẩm thông qua các cải tiến (giảm thời gian rà gá từ 21 phút xuống 15 phút) giúp nâng cao hiệu suất tổng thể thiết bị OEE của máy phay CNC từ 38% (tháng 11) lên 50% (tháng 12) và OEE máy tiện CNC từ 73% (tháng 11) lên 76% (tháng 12). Về hiệu quả an toàn, việc hoạch định lại các dụng cụ cũng như tiêu chuẩn hóa các thao tác nên mặt bằng hợp lý và rộng rãi hơn, qua đó giúp công nhân di chuyển ít hơn từ đó tăng tính an toàn cho công nhân khi tham gia tác nghiệp...

Đối với công ty Cường Vinh, khi áp dụng công cụ cải tiến TPM doanh nghiệp này đã giảm 5,8% thời gian dừng máy và nâng cao hiệu quả sản xuất tại phân xưởng đúc nhôm. Từ 10/2018, Công ty đã thành lập ban TPM có sự tham gia của nhiều phòng ban và đặt mục tiêu nâng cao năng lực của công nhân vận hành, giảm thời gian chết dừng máy do sự cố.

Sau 3 tháng đầu tiên, công ty đã thống kê được các nguyên nhân dừng máy. Điều này giúp công ty đưa ra giải pháp tức thời phù hợp để khắc phục. Từ 1/2019, công ty đã giám sát và giảm được thời gian dừng máy do sự cố. Đến tháng 2, công ty đã giảm được 5,8% thời gian dừng máy so với tháng 1/2019.

Với các thành công đạt được chỉ sau 3 tháng, lãnh đạo công ty đã tăng mạnh ủng hộ, hỗ trợ ban TPM triển khai các trụ cột AM, PM, FI, HSE cùng với việc duy trì 5S liên tục làm nền tảng cho TPM. Các hoạt động TPM được đẩy mạnh theo từng trụ cột: đào tạo, đánh giá, khen thưởng, lập nhóm cải tiến, báo cáo kết quả cải tiến… 

Một minh chứng điển hình khác là Công ty CP Sơn Hải Phòng. Để giúp nâng cao và tiêu chuẩn hóa kỹ năng của người vận hành trong việc chăm sóc và bảo trì thiết bị, Công ty CP Sơn Hải Phòng số 2 đã quyết định áp dụng trụ cột bảo trì tự quản bằng thẻ TPM. Các hoạt động trong trụ cột AM đã áp dụng tại Công ty CP Sơn Hải Phòng số 2 gồm: Thời gian đầu triển khai, khuyến khích công nhân tích cực tham gia gắn thẻ để nâng cao kỹ năng và ý thức phát hiện bất thường dù là những lỗi nhỏ nhất như máy bẩn, máy bong sơn, mất ốc…

Kết quả, Công ty đã gắn và xử lý 54 thẻ xanh đỏ TPM; Tiêu chuẩn vệ sinh, kiểm tra, bôi trơn thiết bị đã được xây dựng cho máy nghiền, máy ép đùn và được trưởng bộ phận cơ điện hướng dẫn cho công nhân vận hành tại 2 máy này… Qua đó, giảm tải công việc bảo trì cho nhân viên bảo trì và nguồn lực, chi phí của công ty.

Với những lợi ích và kết quả đã đạt được từ công cụ TPM, có thể khẳng định, công cụ này được các doanh nghiệp triển khai, áp dụng đã mang lại hiệu quả rất tích cực, để tiếp tục phát triển bền vững, các công ty này tiếp tục duy trì và nỗ lực để mở rộng TPM nhằm mang lại các hiệu quả lớn hơn nữa về cải tiến năng suất, chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp và thành công của Chương trình Chương trình quốc gia về “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020" nói chung và Dự án “Nâng cao NSCL sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” nói riêng do Bộ Công thương chủ trì triển khai trong thời gian vừa qua.

Nhiều doanh nghiệp đạt hiệu quả nhờ tích hợp ISO 9001: 2015 và TPM(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cách nâng cao năng suất sản xuất và kinh doanh bằng cách tích hợp bảo trì năng suất toàn diện (TPM) và ISO 9001:2015. Tuy nhiên, để áp dụng giải pháp này, đòi hỏi DN phải có nền tảng quản trị vững chắc.

Hà Thanh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang