Liên tiếp thu giữ lượng lớn bánh trung thu nhập lậu

author 13:49 05/09/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang vừa phát hiện và thu giữ lượng lớn bánh trung thu nhập lậu.

Liên tiếp thu giữ bánh trung thu nhập lậu

Theo Cục QLTT tỉnh Bắc Ninh,  Đội Quản lý thị trường số 2 vừa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Từ Sơn kiểm tra đột xuất Cửa hàng tạp hoá Tuấn Hiền. Địa chỉ tại: Đường Lê Quang Đạo, phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đã phát hiện cửa hàng đang bày bán 600 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài.

Chủ cửa hàng là ông Nguyễn Anh Tuấn không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng bánh trung thu trên. Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để đấu tranh làm rõ hành vi, vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng ngày, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh phối hợp với Đội 3 - Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bắc Ninh kiểm tra xe ô tô BKS: 30A-235.80 do ông Nguyễn Hùng là lái xe kiêm chủ hàng. Quá trình kiểm tra phát hiện 1.800 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, nhập lậu không đảm bảo an toàn sử dụng.

Đội 1 đã ban hành quyết định xử phạt VPHC số tiền là 6 triệu đồng. Buộc tiêu hủy toàn bộ 1.800 chiếc bánh trung thu theo quy định của pháp luật.

Tương tự, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với lực lượng Công an kiểm tra phát hiện vụ việc vi phạm kinh doanh 2.200 chiếc bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đó, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT tỉnh Bắc Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức kiểm tra và phát hiện bà Nguyễn Thị Miền, trú tại phường Mỹ Độ, thành phố Bắc Giang có hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tang vật vi phạm gồm 2.200 chiếc bánh nướng trung thu loại 40g/chiếc; tổng trị giá số hàng hóa là 8.800.000 đồng.

Đội QLTT số 3 đã thiết lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Miền số tiền 8.000.000 đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đồng thời, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm hành chính là 2.200 chiếc bánh nướng nêu trên.

Cách lựa chọn bánh trung thu an toàn

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi lựa chọn và sử dụng bánh Trung thu đảm bảo ATTP, người tiêu dùng cần chú ý các tiêu chí sau:

Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng: có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng.

Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.

Tiêu chuẩn Quốc gia về bánh nướng (TCVN 12940:2020) và bánh dẻo (TCVN 12941:2020)

Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đối với bánh trung thu gồm TCVN 12940:2020 đối với bánh nướng và TCVN 12941:2020 đối với bánh dẻo.

Theo tiêu chuẩn quốc gia, đối với bánh nướng và bánh dẻo, việc sử dụng đường phải đáp ứng các yêu cầu quy định trong TCVN 6958 (tiêu chuẩn áp dụng cho đường tinh luyện sản xuất trực tiếp từ mía, từ đường thô hoặc các nguyên liệu khác), hoặc TCVN 7968 (tiêu chuẩn áp dụng cho các loại đường dùng được sử dụng mà không cần chế biến tiếp theo, bao gồm các loại đường được bán trực tiếp cho người tiêu dùng và đường được sử dụng như là thành phần trong thực phẩm) CODEX STAN 212;

Bột mì phải đáp ứng quy định trong TCVN 4359 (CODEX STAN 152) áp dụng cho bột mỳ sử dụng trực tiếp làm thực phẩm, được chế biến từ hạt lúa mì thông thường; dầu ăn phải đáp ứng quy định trong TCVN 7597:2018.

Đồng thời, các nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật và thực vật được sử dụng để làm nhân bánh trung thu (đậu, hạt sen, nấm, mỡ lợn, thịt, thủy sản, trứng, mật ong...) phải đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

Bộ tiêu chuẩn này cũng áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu bánh nướng, bánh dẻo bán tại thị trường trong nước.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sự ra đời của tiêu chuẩn quốc gia đối với bánh trung thu sẽ giúp cơ quan chức năng thuận lợi trong hoạt động quản lý, người tiêu dùng có cơ sở để lựa chọn sản phẩm có chất lượng mỗi khi đến dịp Tết Trung thu.

Việc công bố tiêu chuẩn chất lượng bánh trung thu là điều kiện tiên quyết để các công ty, cơ sở sản xuất bánh Trung thu bảo đảm an toàn chất lượng cho sản phẩm khi sản xuất bánh trong mùa Trung thu. Quy trình này đã có từ lâu nhưng vì thiếu tiêu chuẩn cụ thể nên bánh Trung thu lại được quản lý theo tiêu chuẩn của các dòng bánh khô (bánh quy).

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang