Bác sĩ cảnh báo: Bán thuốc, thực phẩm chức năng qua livetream là điều không tưởng, tránh tin dùng

author 06:50 16/01/2024

(VietQ.vn) - Hiện nay xuất hiện tình trạng nhiều tài khoản mạng xã hội tổ chức bán thuốc livestream với giỏ hàng đa dạng, từ thuốc trị cảm cúm đến hỗ trợ điều trị ung thư tuy nhiên theo các bác sĩ người tiêu dùng tránh tin tưởng.

Chỉ cần gõ cụm từ “mua thuốc” hàng loạt tài khoản trên mạng xã hội đang livestream bán thuốc hiện lên. Để tăng uy tín, những tài khoản hàng chục nghìn lượt người theo dõi này thường được đặt tên là dược sĩ, bác sĩ hay nhà thuốc.

Mặc dù để dòng ghi chú đây là thực phẩm chức năng, không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc, người bán vẫn tư vấn cho khách những tác dụng không khác gì thuốc.

Khi thấy trên mạng xã hội xuất hiện một video livestream với nhiều lời lẽ tư vấn tăng trưởng chiều cao như: Chỉ cần dùng một tháng sản phẩm canxi sẽ có hiệu quả. Loại này có thể giúp bổ sung gấp 3 canxi, mỗi ngày uống 2 viên, người từ 9 - 16 tuổi sẽ cao lên 7 - 9 cm, người từ 23 đến 25 tuổi cao lên 3 - 5 cm. Người dưới 30 tuổi thuốc vẫn có tác dụng. Giá một hộp có giá từ 200.000 đồng, với 30 viên, tuy nhiên trong phiên livestream giá chỉ còn 180.000 đồng. Chủ tài khoản liên tục kêu gọi khách hàng mua vì đây là giá “hời”, kết thúc livestream về lại giá gốc...do quảng cáo quá hấp dẫn nên Trần Thanh (TPHCM) đã quyết định đặt mua. Tuy nhiên theo chia sẻ của Trần Thanh: “Tôi mua chủ yếu dựa vào niềm tin, không thể thẩm định được cửa hàng và sản phẩm.

Ngoài ra, còn nhiều tài khoản khác cũng livestream quảng cáo thuốc tăng chiều cao chỉ với giá 179.000 đồng/hộp. Thông thường, các tài khoản bán dược phẩm trên mạng xã hội sẽ livestream vào 20 giờ đến 24 giờ mỗi ngày, khách hàng đặt và thanh toán trực tuyến, hàng sẽ được giao đến nhà. 

Ngoài sản phẩm tăng chiều cao, các sản phẩm được bán phổ biến trên livestream là sản phẩm giảm cân, tăng nội tiết tố, thậm chí là thuốc kháng viêm, thuốc kháng sinh, thuốc y học cổ truyền...

Người tiêu dùng không nên tin tưởng vào các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng bán qua livestream. Ảnh: Zing news

Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cho rằng vấn nạn bán thuốc qua mạng ngày càng báo động. Chúng tôi thường xuyên điều trị cho bệnh nhân biến chứng do sử dụng thuốc mua trên mạng không rõ nguồn gốc. Mặc dù rất nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, gout... đã được y văn khẳng định không thể chữa khỏi hoàn toàn, chỉ có thể theo dõi, hạn chế phát triển và giúp người dân giảm biến chứng của bệnh. Thế nhưng với mong muốn được khỏi bệnh nhanh, nhiều bệnh nhân đã tìm đến những loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho hay, hiện nay có rất nhiều quảng cáo mang tính lừa đảo, lợi dụng lòng tin của người dân với thuốc nam, thuốc bắc nhưng thực chất thuốc có chứa tân dược, thậm chí thành phần độc hại. Những sản phẩm này thường không có nhãn hiệu, không ghi rõ thành phần, không có tên nhà sản xuất. Tất cả chỉ dựa vào truyền tai, truyền miệng và thổi phồng công dụng để bán thuốc.

Thông tin về hình thức bán thuốc qua livetream, theo PGS.TS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, riêng về vấn đề dược phẩm lĩnh vực chăm sóc da, rõ ràng người dân không thể sử dụng tự ý. Có nhiều người mua thuốc bôi da trên mạng, dẫn đến tình trạng da vừa hư tổn, vừa hại đến nội tạng, khiến cơ thể gặp biến chứng nặng nề. Thuốc là sản phẩm phải được bác sĩ kê đơn, khuyên dùng, người bệnh không thể tự ý mua rồi uống. Do đó, bán thuốc qua livestream là điều không tưởng.

Liên quan tới việc Bộ Y tế đề xuất các cơ sở kinh doanh dược phẩm không được bán hàng qua mạng xã hội hoặc livestream, chỉ được bán trên sàn thương mại điện tử, website, bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm này, tức không nên cho phép các cơ sở kinh doanh dược bán thuốc qua livestream, mạng xã hội.

Bác sĩ Khanh cho hay việc bán các mặt hàng y tế, nhất là thuốc, trên mạng xã hội hay livestream khiến các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát về nguồn, chất lượng sản phẩm cũng như người bán. Kể cả khi các cơ sở kinh doanh dược có giấy phép rõ ràng, việc bán thuốc qua livestream vẫn là điều không nên làm. Thuốc là sản phẩm phải được bác sĩ kê đơn, khuyên dùng, người bệnh không thể tự ý mua rồi uống. Do đó, thuốc được bán qua livestream là điều không tưởng”, bác sĩ Khanh nói.

Thêm nữa, người bán hàng livestream không thế nắm được hoàn toàn tình trạng bệnh tật của người bệnh để đưa ra tư vấn và bán thuốc được. Nói như vậy, không có nghĩa ngăn cấm việc bán hàng trực tuyến, bác sĩ Khanh cho rằng nên cho bán thuốc trên sàn thương mại điện tử hay website. Điều này vừa giúp người mua tiếp cận được sản phẩm dễ dàng, một phần khác cùng giúp các cơ quan chức năng dễ dàng thanh tra cũng như quản lý. Mỗi sàn thương mại điện tử đều có quy định riêng về mặt hàng bày bán ở đây. Việc đưa sản phẩm kèm thông tin lên sàn thương mại điện tử giúp các cơ quan quản lý có thể kiểm soát dễ hơn.

Tuy nhiên, ông cho rằng Bộ Y tế nên có danh mục quy định rõ ràng đối với những danh mục sản phẩm, thông tin sản phẩm bày bán trên sàn thương mại điện tử. Đối với các loại thuốc kê đơn cần có thêm chính sách khác chặt chẽ hơn để đảm bảo người dân không mua thuốc tràn lan.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang