Bác sĩ cảnh báo: Nguy cơ cao mắc bệnh da liễu khi mặc đồ 'secondhand'

author 06:59 18/06/2023

(VietQ.vn) - Theo bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, không thể khẳng định chắc chắn bệnh nhân mắc bệnh là do dùng đồ 'secondhand', tuy nhiên đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao.

Thời trang secondhand đang trở thành xu hướng tiêu dùng mới, đặc biệt là giới trẻ, vừa giảm rác thải ra môi trường vừa giúp người tiêu dùng giảm chi phí mua sắm.

Hàng 'secondhand' còn được gọi là hàng thùng. Đây là những món đồ đã qua sử dụng và được bán lại tại các cửa hàng hay chợ đồ cũ. Với quan niệm "cũ người mới ta" nên những mặt hàng 'secondhand' được nhiều người yêu thích bởi giá cả phải chăng, thiết kế độc, lạ và hầu như mỗi món chỉ có một chiếc.

Tại Việt Nam, kiểu dáng mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ hơn so với hàng mới là những yếu tố khiến quần áo hàng thùng luôn đắt khách. Các khu chợ hàng thùng đang nhận được nhiều sự quan tâm của người trẻ, bởi ở đây chuyên cung cấp các mẫu quần áo đa dạng kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ với giá cực kỳ bình dân. Mặc dù là hàng thùng, hàng second -hand nhưng vẫn có thể chọn mua được những mẫu váy áo chất lượng nếu biết cách tìm, mua và trả giá.

Trên mạng xã hội, các hội nhóm mua bán, trao đổi đồ second có đến hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Các mặt hàng được rao bán chủ yếu nhập từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.

Tuy nhiên, không phải ai đến các cửa hàng đồ 'secondhand' cũng chọn được sản phẩm tốt. Bởi trước khi đến tay người tiêu dùng, các sản phẩm này đều được đóng trong các bao kiện, chuyển qua nhiều điều kiện môi trường khác nhau. Do quá trình vận chuyển trong thời gian dài nên có thể nhiều loại vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, phát triển.

Bác sĩ cảnh báo nguy cơ cao mắc bệnh da liễu khi mặc đồ “secondhand”. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo bác sĩ Bùi Mạnh Hà, Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Da liễu TP.HCM, đồ “secondhand” hay đồ "sida" chỉ một số mặt hàng như quần áo, dày dép,.. đã qua sử dụng, do tổ chức Sida của Thụy Điển quyên góp viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn khó khăn, nhưng bị tuồn ra thị trường bày bán ở vỉa hè hay các cửa hàng nhỏ. Nhưng dần dần, thuật ngữ này được dùng cho các loại quần áo, giày dép, khăn nón, phụ kiện thời trang… đã qua sử dụng, được bày bán mà không rõ nguồn gốc từ đâu.

Không thể khẳng định chắc chắn bệnh nhân mắc bệnh là do dùng đồ “sida", tuy nhiên đây là một trong những yếu tố nguy cơ cao liên quan đến một số bệnh da thường gặp tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM.

Bác sĩ Hà cho hay, quần áo đã qua sử dụng thường không được xử lý tiệt khuẩn; bảo quản thời gian lâu và kém vệ sinh; xử lý tẩy, nhuộm, làm mới bằng các hóa chất không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn nên khi sử dụng, hoặc ngay cả khi mặc thử, có thể gây ra một số bệnh da thường gặp như: nhiễm nấm gồm lác, hắc lào, nấm kẽ, viêm nhiễm phụ khoa do nấm…; nhiễm ký sinh trùng: ghẻ, chấy rận…; nhiễm trùng: viêm nang lông, nhọt…; nhiễm virus: nguy cơ lây mồng gà, mụn cóc…; dị ứng, viêm da tiếp xúc: do hóa chất, bụi bẩn, hoặc do các vi sinh vật có trong quần áo cũ không được tiệt khuẩn… Và có thể nhiều tác nhân bệnh truyền nhiễm khác.

"Các nguy cơ gây bệnh khi sử dụng quần áo, vật dụng cá nhân đã qua sử dụng mà không rõ nguồn gốc, có thể không được loại bỏ hoàn toàn, cho dù chúng ta đã tự xử lý kỹ lưỡng. Do đó, nên hạn chế việc sử dụng" - bác sĩ Hà cho biết.

Trong trường hợp muốn sử dụng, bác sĩ Hà khuyến cáo người dân tốt nhất phải ngâm giặt nhiều lần, hấp tiệt trùng, phơi nắng thật khô ráo trước khi sử dụng. Và không nên mặc thử quần áo ngay tại chỗ. Các loại quần áo tắm, đồ lót, khăn thì tuyệt đối không nên sử dụng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang