Bác sĩ cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng và hoại tử nặng do dùng lá bó gãy xương

author 22:39 04/01/2024

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ cảnh báo, khi bị gãy xương người dân không nên bó lá vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn tiếp nhận một bệnh nhi gặp nhiễm trùng nặng do điều trị gãy xương bằng việc bó lá. Bệnh nhi ngay sau đó đã được các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn phẫu thuật và tiếp tục theo dõi trong quá trình hồi phục. Tuy nhiên, cứng khớp vai do nhiễm trùng từ việc bó lá là nguy cơ mà bệnh nhi này có thể gặp phải về sau. Và đây không phải bệnh nhi duy nhất mà bệnh viện tiếp nhận với tình trạng nhiễm trùng, hoại tử từ việc bó lá, đắp thuốc trong điều trị gãy xương ở trẻ em.

Theo các bác sĩ tại hầu hết các bệnh viện hiện nay, việc điều trị gãy xương trẻ em đã được áp dụng nhiều phương pháp như: bảo tồn bằng bó bột với các trường hợp gãy nhẹ; nặng hơn sẽ áp dụng các phương pháp mổ, nắn chỉnh kín, đóng đinh kín,…

Tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn hầu hết các ca gãy xương trẻ em hay người lớn đều đang được áp dụng kỹ thuật mới nắn chỉnh kín và xuyên đinh dưới màn tăng sáng, giúp trẻ chỉ phải trải qua 1 cuộc tiểu phẫu nhỏ, ít đau đớn và sợ hãi, vết mổ rất nhỏ chỉ < 1cm, không để lại sẹo và hồi phục nhanh.

Do đắp lá khi bị gãy xương khiến vết thương càng ngày càng nghiêm trọng hơn. Ảnh: Lê Hòa

Trước đó, tại Phú Thọ một bệnh nhân nữ, 35 tuổi bị gãy xương cẳng chân phải nhưng không đi viện, nghe người quen mách đắp lá. Tuy nhiên sau đó người bệnh đau, không vận động được cổ chân phải, sưng nề bàn chân, vùng cổ chân có biểu hiện viêm da, kích ứng, phải nhập Bệnh viện đa khoa Hùng Vương. Tai đây các bác sĩ cho biết người phụ nữ bị gãy ba mắt cá chân nặng. Vùng cổ chân bị viêm, sưng đỏ do đắp lá không rõ nguồn gốc. Bác sĩ làm sạch ổ gãy, đặt lại xương, cố định lại bằng nẹp, vít.

Các bác sĩ cảnh báo, đã có rất nhiều trường hợp đáng tiếc do hậu quả của việc đắp các loại lá cây để xử lý vết thương theo hướng dẫn của một số thầy lang, nhẹ thì khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm, nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương.

Một trong các biến chứng đáng ngại nhất của việc đắp lá là làm chậm liền xương, khớp giả và liền lệch. Hậu quả là có thể làm xương không liền được. Bởi vì sự cố định đòi hỏi thật khoẻ thì mới có thể làm cho xương liền tốt. Điều này thì bó lá thường không đảm bảo. Hệ quả là hai đầu xương cách xa nhau, khó liền, nếu xa quá thì không liền. Trong quá trình điều trị, sự nắn chỉnh "mò" của các thầy lang không dựa trên hướng dẫn của phim X-quang có thể làm lệch đầu xương sau đó ổ gãy sẽ bị liền lệch. Vì gãy xương là một vấn đề ngoại khoa nên dù bệnh nhân có lựa chọn chữa bệnh bằng Đông y thì vẫn cần phải chụp X-quang. 

Vì vậy, để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý bó vết thương bằng thuốc lá, bằng các loại cây đặc biệt là cho trẻ vì tốn kém mà không hiệu quả. Cần đưa ngay đến các cơ sở y tế đáng tin cậy để được cấp cứu và xử lý kịp thời tránh để bị ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lý về sau.

An Dương (T/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang