Thúc đẩy tiếp cận, xây dựng không gian làm việc theo tiêu chuẩn xanh

author 13:56 03/01/2024

(VietQ.vn) - Tiếp cận tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo góp phần thúc đẩy sự phát triển của không gian làm việc xanh tại Việt Nam, đưa xu hướng kiến trúc xanh dần đi vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Quá trình hình thành và phát triển công trình xanh tại Việt Nam đã trở nên phổ biến hơn trong vài năm trở lại đây, khi mà nhận thức xã hội về tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường được cải thiện. Nhưng những công trình này, đặc biệt là không gian làm việc, còn gặp nhiều khó khăn do kiến thức hiểu biết về công trình xanh, tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn hạn chế.

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội - KTS Nguyễn Văn Hải, trong giai đoạn hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và đô thị hóa, không gian làm việc trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Đặc điểm "xanh" trong thiết kế không gian nội thất đã thu hút sự quan tâm, không chỉ vì lợi ích sử dụng mà còn bởi vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường. Để đạt tiêu chuẩn xanh cần có hệ thống và quy trình xác định.

Ông Douglas Snyder - Giám đốc Điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam cho rằng, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, và công trình xanh là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, hóa giải thách thức này. Tại Việt Nam, Hội đồng công trình xanh Việt Nam đặt ra mục tiêu khuyến khích xây dựng công trình xanh và giảm thiểu phát thải; bồi dưỡng kiến thức cho các bên liên quan về công trình bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong việc thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Xu hướng kiến trúc xanh đang dần đi vào cuộc sống. (Ảnh minh họa)

Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiến trúc - Nội thất Nam Anh, KTS Hà Xuân Nam đã nêu một số giải pháp thiết kế không gian làm việc xanh, mang lại hiệu quả và sáng tạo như tổ chức mặt bằng công năng khoa học; tối ưu ánh sáng và thông gió tự nhiên, đưa cây xanh vào không gian làm việc; sử dụng các màu sắc và hình khối.

Các giải pháp kỹ thuật cần tính đến như cải tạo hệ thống vi khí hậu bằng cách xử lý hệ thống điều hoà không khí, thông gió hiệu quả và khoa học; sử dụng ánh sáng nhân tạo một cách khoa học và có tính toán từ chuyên gia; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các sản phẩm nội thất được thiết kế theo tiêu chuẩn nhân trắc học, công thái học sẽ đem lại tiện nghi cao hơn cho người dùng.

Viện trưởng Viện Công nghiệp gỗ và Nội thất, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam - PGS.TS Lý Tuấn Trường cho rằng, trong môi trường làm việc xanh, đồ gỗ nội thất đóng vai trò quan trọng. Thiết kế loại vật liệu này cần tuân thủ một số nguyên tắc thiết kế như kết cấu dễ tháo dỡ, dễ phân tách, có lợi cho sửa chữa, bảo trì. Ngoài ra, không sử dụng các loại vật liệu tiềm chứa chất độc hại cho môi trường và sức khỏe con người mà chọn dùng các loại vật liệu tái sinh, đặc biệt ưu tiên sử dụng vật liệu có khả năng tuần hoàn sử dụng cao.

Tổng giám đốc DPLUS Việt Nam - KTS Đoàn Phương nêu quan điểm trong việc thực hành thiết kế xanh tại không gian làm việc như tối đa hóa sử dụng không gian hiệu quả; sử dụng vật liệu thiết kế và xây dựng tiết kiệm năng lượng; sử dụng nguyên vật liệu được sản xuất có trách nhiệm với môi trường; quan tâm nhiều hơn tới tái chế; chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, ưu tiên thông gió tự nhiên và truyền tải thông điệp xanh qua các thiết kế.

Trong khi đó, là người am tường các tiêu chuẩn LEED AP, LOTUS AP, EDGE Expert & Auditor trong thiết kế nội thất công trình tại Việt Nam và nhiều quốc gia, KTS Tim Middleton đã gợi mở những giải pháp cụ thể nhằm tạo dựng không gian làm việc xanh đáp ứng tiêu chí môi trường không khí, chiếu sáng/ tầm nhìn, tiện nghi nhiệt, đồ nội thất, vật liệu bền vững...

KTS Tim Middleton nhấn mạnh, cần thúc đẩy sự tiện nghi, sức khỏe và năng suất của người sử dụng bằng cách cải thiện chất lượng không khí trong nhà như: thông gió, theo dõi CO2, lọc không khí, cấm hút thuốc. Thêm nữa, cần giảm thiểu ánh sáng điện bằng cách đưa ánh sáng tự nhiên vào không gian làm việc, tăng sự kết nối của người sử dụng với bên ngoài bằng cách bảo đảm tầm nhìn ra thiên nhiên, bầu trời... không bị cản trở.

Những tiêu chuẩn xanh phổ biến nhất hiện nay:

Tiêu chuẩn xanh LOTUS

LOTUS là hệ thống chứng nhận công trình xanh được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) – tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, thành viên Hội đồng Công trình xanh Thế giới (World GBC). Trải qua hơn 8 năm phát triển, Chứng nhận LOTUS hiện bao gồm 7 hệ thống đánh giá, áp dụng cho hầu hết dự án xây dựng như công trình. LOTUS đóng vai trò là tiêu chuẩn định hướng và công cụ thiết lập mục tiêu nhằm xây dựng công trình thân thiện với môi trường và sức khỏe của người sử dụng với chi phí vận hành thấp hơn.

Tiêu chuẩn xanh LEED – Leadership in Energy & Environmental Design

LEED là bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh tại Mỹ, được ban hành bởi USGBC – U.S. Green Building Council và được biết đến như bộ tiêu chuẩn phổ biến nhất trên thế giới ở thời điểm hiện tại.

Bộ tiêu chuẩn này đã được cho phép đánh giá và chứng nhận tại các tòa nhà vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ nhờ vào thương mại hóa. Nó được chấp nhận và sử dụng rộng rãi tuy rằng không phải là bộ tiêu chuẩn xuất hiện đầu tiên. LEED cấp giấy chứng nhận cho dự án xây dựng có chất lượng đáp ứng các yêu cầu. Thang điểm xếp hạng tiêu chuẩn LEED cho các công trình mới và đại trùng tu cụ thể như sau:

Đạt 40 – 49 điểm: Chứng nhận Certified.

Đạt 50 – 59 điểm: Chứng nhận Bạc (Silver).

Đạt 60 – 79 điểm: Chứng nhận Vàng (Gold).

Từ 80 điểm trở lên: Chứng nhận Bạch Kim (Platinum).

Tiêu chí EDGE

Hệ thống chứng chỉ EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) của IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là hệ thống chứng chỉ tự nguyện mang tính toàn cầu cho công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, đưa đến giải pháp kỹ thuật xanh, đồng thời có khả năng giảm chi phí đầu tư và tiết kiệm của công trình.

Đây được xem là cú hích cho các công trình xanh, bởi EDGE đơn giản hơn các tiêu chuẩn LEED, LOTUS khi đưa vào triển khai, các tiêu chí xanh đánh giá phù hợp với chi phí của doanh nghiệp. Với ba tiêu chí đánh giá về mức tiết kiệm năng lượng: Nước, năng lượng và vật liệu – các tiêu chí công trình dễ dàng đạt được nên được nhiều chủ đầu tư lựa chọn. Ngoài ra còn có thể kể đến các tiêu chuẩn xanh khác như CASBEE (Nhật Bản), Malaysia Green Building Index, LEED India (Ấn Độ), BREEAM Europe (Châu Âu), HQE (Pháp), EDGE, Earthcheck…

Tiêu chuẩn xanh BREEAM – BRE Environmental Assessment Method

BREEAM là bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình đầu tiên trên thế giới, được ban hành bởi BRE – Building Research Establishment của Anh. Bộ tiêu chuẩn này chưa được phổ biến ở nhiều nước trên thế giới vì chỉ áp dụng trong phạm vi các công trình của nước Anh. Ưu điểm của bộ tiêu chuẩn này là có thể chỉnh sửa và áp dụng cho nhiều vùng khí hậu khác nhau.

Tiêu chuẩn xanh Green Star

Green Star là bộ tiêu chuẩn đánh giá của Úc, được ban hành bởi GBCA – Green Building Council of Australia. Đây cũng là bộ tiêu chuẩn chưa được phổ biến ở nhiều nước khác nhau trên thế giới vì chỉ giới hạn áp dụng trong phạm vi nước Úc. Green Star được xem như là LEED phiên bản nước Úc.

Tiêu chuẩn xanh BCA Green Mark

Singapore đưa ra bộ tiêu chuẩn công trình xanh lấy tên là Green Mark, được ban hành bởi BCA – Building and Construction Authority với tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật ở trên khu vực và thế giới. Green Mark được chuẩn hóa các tiêu chuẩn đánh giá dành riêng cho khu vực khí hậu nhiệt đới.

Khánh Mai (t/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang