Bác sĩ chỉ ra tác dụng phụ của hoạt huyết dưỡng não cần lưu ý khi điều trị rối loạn tiền đình

authorNgọc Nga 06:02 06/05/2023

(VietQ.vn) - ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, người mắc rối loạn tiền đình cần lưu ý khi uống hoạt huyết dưỡng não vì có thể gây ra một số tác dụng phụ.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, hiện nay, trên thị trường có nhiều sản phẩm hoạt huyết dưỡng não được biết đến với tác dụng điều trị thiểu năng tuần hoàn não với các biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đứng không vững, rối loạn tiền đình...

Rối loạn tiền đình biểu hiện với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, mất thăng bằng,... làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập, công việc và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Đông y gọi chứng này là “huyễn vựng”, do ba nguyên nhân chính: can thận bất túc, đàm thấp ứ trở, tâm tỳ suy kém, dẫn đến khí hư huyết hư. Ngày nay, tình trạng rối loạn tiền đình ngày càng phổ biến do ô nhiễm tiếng ồn, môi trường công việc căng thẳng, nhiễm trùng nhiễm độc,...

 Không nên tự ý dùng hoạt huyết dưỡng não điều trị chứng rối loạn tiền đình. Ảnh minh họa

Để điều trị rối loạn tiền đình, đầu tiên cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và điều trị theo căn nguyên. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc mà cần tuân theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Bản chất hoạt huyết dưỡng não là thực phẩm bảo vệ sức khỏe giúp lưu thông máu, bồi bổ khí huyết, hỗ trợ điều trị thiểu năng tuần hoàn não, trong khi đó lại có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiền đình. Vì vậy hoạt huyết dưỡng não chỉ giải quyết được một phần nguyên nhân gây rối loạn tiền đình là thiếu máu lên não.

Việc người bệnh tự ý sử dụng các sản phẩm hoạt huyết dưỡng não trong khi chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh không những không mang lại hiệu quả mà còn gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Một số bệnh nhân khác lại tự ý sử dụng thêm hoạt huyết dưỡng não trong khi bác sĩ đã kê đơn thuốc tăng tuần hoàn não, điều này có thể gây ra tình trạng quá liều, gia tăng tác dụng phụ và độc tính của các loại thuốc.

Thông tin thêm, ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cũng cho rằng, hoa mắt, chóng mặt và mất thăng bằng là những triệu chứng chính của bệnh rối loạn tiền đình. Các triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến thể chất như giảm khả năng kiểm soát tư thế và té ngã; gây hệ lụy về tinh thần như trầm cảm, lo âu...

Mục tiêu điều trị rối loạn tiền đình là kiểm soát triệu chứng, giảm thiểu tình trạng khiếm khuyết chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Việc sử dụng thuốc điều trị được nhiều người quan tâm, nhưng hiện chưa có loại thuốc nào được phê duyệt để điều trị chứng rối loạn tiền đình. Thông thường, hoạt huyết dưỡng não có thể được bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân rối loạn tiền đình trung ương, hỗ trợ cải thiện lưu thông máu não. Máu não được lưu thông tốt giúp cải thiện triệu chứng của bệnh như đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng.

Tuy nhiên các sản phẩm này thường gây ra một số tác dụng phụ nếu lạm dụng. Tác dụng phụ đầu tiên thường gặp là phản ứng toàn thân do dị ứng với thành phần của thuốc. Có thể gặp các rối loạn về da như phát ban, ngứa ngáy, hội chứng Steven - Johnson (Hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc là các phản ứng quá mẫn trên da mức độ nặng. Thuốc, đặc biệt là thuốc sulfa, thuốc chống động kinh và kháng sinh, là những nguyên nhân phổ biến nhất.). Rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng tiêu chảy, buồn nôn, nôn ói. Nhức đầu do ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Ngoài ra, sử dụng hoạt huyết dưỡng não có thể làm xuất hiện các tác dụng phụ khác tùy vào thể trạng, cơ địa của mỗi người. Thậm chí còn gây đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, đánh trống ngực, ngất… Các tình trạng này làm cho triệu chứng tiền đình không cải thiện mà còn nặng hơn.

Với bệnh nhân rối loạn tiền đình ngoại biên, hoạt huyết dưỡng não có thể không giúp cải thiện triệu chứng. Thay vào đó, người bệnh cần điều trị kết hợp các bài tập phục hồi chức năng tiền đình chuyên biệt. Nếu rối loạn tiền đình do tổn thương tổ chức tai trong, việc phẫu thuật có thể lấy lại chức năng bình thường cho hệ thống này.

Đặc biệt lưu ý, việc kết hợp hoạt huyết dưỡng não với một số loại thuốc hay thực phẩm có thể gây tương tác thuốc. Để tránh xảy ra hiện tượng tương tác, trước khi sử dụng hoạt huyết dưỡng não, bệnh nhân rối loạn tiền đình cần liệt kê danh sách các loại thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược đang sử dụng: Thuốc chống kết tập tiểu cầu; thuốc chống đông (như Heparin, Warfarin,...); thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.

Để sử dụng an toàn người bệnh cần biết rằng, liều dùng của hoạt huyết dưỡng não phụ thuộc vào độ tuổi và tình trạng sức khỏe của người sử dụng. Thông thường, người lớn uống 2 - 3 viên/lần, ngày 2-3 lần. Trẻ em uống 1 viên/lần, ngày từ 2 - 3 lần. Thuốc có thể được uống ở bất kỳ thời điểm nào (trước hay sau bữa ăn đều được). Cần tham khảo ý kiến tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ để xác định liều dùng an toàn và hiệu quả với tình trạng của bản thân.

Trong trường hợp quên uống một liều, hãy dùng bổ sung càng sớm càng tốt nhưng nếu thời điểm nhớ ra mình quên uống thuốc gần với liều tiếp theo thì người bệnh có thể bỏ qua liều đã quên, tiếp tục uống liều kế tiếp như mọi ngày. Tuyệt đối không được uống gấp đôi để bù vào liều đã quên.

Thuốc nên được bảo quản tại nơi thoáng mát, khô ráo, trong điều kiện nhiệt độ không quá 30 độ C và tránh ánh nắng trực tiếp. Nên để xa tầm với của trẻ 

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang