Báo chí với doanh nhân

author 10:07 21/06/2012

(VietQ.vn) - Thời gian cứ như sợi dây se tơ khiến báo chí và giới doanh nhân Việt Nam ngày càng gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Ngày 13/10/1945, chỉ sau ít ngày khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư gửi cho giới công thương Việt Nam. Trong bức thư này, Bác Hồ đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước. Thật không dễ dàng gì để ngót 50 năm sau, ngày 13 tháng 10 ấy trở thành ngày Doanh nhân Việt Nam.

Qua báo chí, không ít bài học cay đắng đã được rút ra từ cuộc đời của nhiều doanh gia đầy tham vọng cứ đi như bị ma ám vào bước đường cùng. Đã có giám đốc một công ty nổi tiếng nối hai cực điện 220V vào người rồi tự đóng cầu dao tự sát vì không chịu nổi những sức ép của trách nhiệm. Có giám đốc khách sạn đã thắt cổ tự vẫn bởi những bất đồng trong tổ chức. Có vị nữ tổng giám đốc giỏi giang, thành đạt bị nhồi máu cơ tim và qua đời ngay sau một cuộc họp căng thẳng.

Báo chí và giới doanh nhân Việt Nam ngày càng gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Báo chí và giới doanh nhân Việt Nam ngày càng gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn và chia sẻ với nhau nhiều hơn

Năm 1994, Tăng Minh Phụng khi đang trên đỉnh của vinh quang với những cuộc đầu tư hàng trăm triệu USD, với hàng chục xưởng may và gần 10.000 công nhân…, đã kể với bạn bè rằng mới đi xem bói, thầy bảo cuối đời sẽ cực kỳ khốn khó, chết không có chiếu mà chôn. Tưởng là câu chuyện vui, thế mà chỉ chưa đầy chục năm sau, sự khắc nghiệt của thương trường đã biến điều đó thành sự thật...

Và chỉ chục năm sau đó thôi, cũng qua các tấm gương làm giàu cho mình và cho đất nước, hàng chục ngàn doanh nhân Việt Nam được vinh danh trên diễn đàn báo chí. Những thương hiệu gắn liền với cuộc đời họ như Sữa Vinamilk, Cà phê Trung Nguyên, Ô tô Trường Hải, Gạch Đồng Tâm, Bánh kẹo Kinh Đô… đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà và tạo nên uy tín Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Từ lâu rồi, khoa học đã chứng minh, rằng hành vi cá nhân tại một thời điểm nào đó thường được quyết định bởi nhu cầu mạnh nhất của họ. Abraham Maslow đã đưa ra một hệ thống phân cấp khá thuyết phục về nhu cầu của con người. Ông cho rằng, theo bản năng sinh tồn thì nhu cầu mạnh nhất của con người là nhu cầu sinh lý. Khi chúng được thoả mãn, hoặc dù chưa được thoả mãn hoàn toàn, thì tiếp đó là nhu cầu về an toàn, rồi nữa là nhu cầu xã hội (giao tiếp), kế đến là nhu cầu được tôn trọng, cuối cùng là nhu cầu tự khẳng định mình. Cứ thứ tự như vậy, một khi nhu cầu ở bậc trên được thoả mãn thì mối quan tâm chuyển sang nhu cầu ở bậc tiếp theo. Các doanh nhân Việt Nam đã và đang mong muốn khẳng định mình.

Lại nhớ đến bức thư của Bác Hồ hồi ấy. Trong thư có đoạn viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Giờ đây, “nền hoàn toàn độc lập của nước nhà” thì có rồi, có từ lâu lắm rồi, nhưng “một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng” thì chưa. Tại sao vậy? Có lẽ còn một vế nữa trong bức thư của Bác Hồ chưa được coi trọng trong cả một thời gian dài, đó là việc Chính phủ và toàn xã hội chưa “tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Sau nhiều thế kỷ lần mò, đến nay, các quốc gia đã xác định rằng nếu không có một đội ngũ doanh nhân hùng mạnh thì không thể có một đất nước hưng thịnh. Vì vậy, báo chí một khi đã góp tay vào sự thành đạt của các doanh nhân thì cũng đồng nghĩa với việc góp phần vào việc hưng thịnh nước nhà.

Nguyễn Hoàng Linh  (Biên tập viên cao cấp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang