Cục An toàn thực phẩm: Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc dịp tết, lễ hội Xuân 2024

author 13:40 30/12/2023

(VietQ.vn) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm bởi đây là thời điểm các loại thực phẩm kém chất lượng được đưa ra ngoài thị trường do đó cần chủ động xây dựng kế hoạch để phòng chống.

TS.BS. Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và Thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm cho biết, an ninh, an toàn thực phẩm giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng, về lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Bảo đảm tốt an ninh, an toàn thực phẩm sẽ góp phần làm tăng nguồn lực con người, làm phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Đồng thời, bảo đảm được mọi người dân đều có thể dễ dàng tiếp cận được với an toàn thực phẩm từ những thực phẩm sẵn có.

Tuy nhiên, TS.BS. Cao Văn Trung thẳng thắn nhìn nhận, thực tế tại Việt Nam hiện nay, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, các bệnh viện, các trường học còn diễn biến hết sức phức tạp. Tình trạng nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu như điều kiện về cơ sở vật chất, về trang thiết bị, về người trực tiếp sản xuất chế biến thực phẩm chưa đủ kiến thức dẫn đến nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Tỷ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hóa chất, cụ thể là tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, các chất kháng sinh, các chất kích thích tăng trưởng trong các nông sản và thịt gia súc, gia cầm làm nguyên liệu để chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những vi phạm về đạo đức sản xuất, kinh doanh, dẫn đến nhiều sản phẩm chưa bảo đảm vẫn bị lén lút đưa ra thị trường; quảng cáo sai sự thật về sản phẩm… sự đa dạng của các hình thức kinh doanh như kinh doanh online, đa cấp, quảng cáo xuyên biên giới hiện nay rất khó quản lý.

Cần kiểm soát tốt thực phẩm trong dịp lễ hội, tết Nguyên đán để tránh gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Ảnh minh họa

Trong đó điển hình là TP. Hà Nội và TP.HCM. Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội, 11 tháng của năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, thu giữ nhiều tấn hàng hóa, đặc biệt là vụ thu giữ 53 tấn thịt hết hạn sử dụng.

Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết, trong năm qua, TP.HCM tập trung kiểm tra có trọng điểm theo chuyên đề, cao điểm Tháng hành động, các nhóm sản phẩm nguy cơ cao nhằm hướng dẫn, giám sát nguy cơ ô nhiễm, bảo đảm an toàn cho sản phẩm lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Kết quả đã thanh, kiểm tra 37.443 cơ sở, phát hiện 3.852 cơ sở vi phạm, xử phạt 1.651 cơ sở, phạt tiền 1.587 cơ sở với tổng số hơn 20,3 tỷ đồng, tịch thu và tiêu hủy nhiều hàng hóa, thực phẩm không bảo đảm an toàn gồm: bánh, kẹo, rượu, bia, đường, thực phẩm chức năng, các SP thực phẩm từ động vật...; chuyển cơ quan điều tra xử lý 7 cơ sở. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thành phố cũng đã rà soát, tổng hợp 14.390 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang thông tin điện tử kinh doanh qua mạng, phát hiện 139 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, tiến hành xử lý theo quy định.

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, tết Nguyên đán là thời điểm các loại thực phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn là các thực phẩm tươi sống, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát, nước đá, các loại thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến sẵn ăn ngay, nếu không được kiểm soát tốt sẽ có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm phòng chống ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, TP. Đà Nẵng chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho tất cả các nhóm đối tượng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm ở cả thời điểm trước, trong thời gian tết Dương lịch, tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024. Tập trung tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm đặc biệt là các biện pháp vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm để đảm bảo an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó, tổ chức, triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung vào các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các chợ đầu mối, siêu thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cá, rau, củ, quả, trà, mứt, bánh, kẹo, rượu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố.

Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng, an toàn sản phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm, việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn sản phẩm, nguyên liệu, phụ gia sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, điều kiện sản xuất thực phẩm và quảng cáo thực phẩm. Phát hiện sớm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng. Sẵn sàng phương án, lực lượng và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang