Báo động 'vòi bạch tuộc' thực phẩm chức năng kém chất lượng vẫn len lỏi gây hại sức khỏe

author 16:08 12/09/2023

(VietQ.vn) - Theo lực lượng QLTT, chưa bao giờ thực trạng hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, gian lận thương mại đặc biệt là thực phẩm chức năng lại trở nên đáng báo động như hiện nay.

Thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn ngang nhiên bán, nhiều người 'mắc bẫy'

Mặc dù thời gian qua đã có không ít vụ kinh doanh, buôn bán và vận chuyển hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ bị cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ cùng nhiều “hang ổ” đã bị triệt phá, song trên khắp các trang mạng xã hội cũng như các chợ, cửa hàng, đại lý, thực phẩm chức năng chất lượng kém như “vòi bạch tuộc” vẫn len lỏi xâm hại con người.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp nhất là đối với sản phẩm thực phẩm chức năng.

Theo số liệu từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội trong 7 tháng của năm 2023 cho thấy, Cục đã kiểm tra, xử lý 380 vụ liên quan đến các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Trong đó, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng được lực lượng quản lý thị trường phát hiện qua theo dõi việc kinh doanh trên các nền tảng mạng xã hội, qua tin báo.

Điển hình, tại điểm kinh doanh hàng hóa Tòa nhà Time Coffee, số 117 Lai Xá (huyện Hoài Đức), hàng trăm hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Lady hỗ trợ săn chắc vòng ngực; Vinslim V3 hỗ trợ tăng cường chuyển hóa chất béo, hỗ trợ giảm béo; Collagen Firming Sleeping Mark bị thu giữ do chủ hàng không xuất trình hóa đơn, chứng từ liên quan. Một ví dụ khác là vụ việc tạm giữ 112 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe Vinslim V3 là hàng giả của Công ty TNHH GENIX (huyện Thanh Oai) có giá trị trên 5,6 tỷ đồng...

 Lượng lớn thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc bị phát hiện. Ảnh: Báo HNM

Theo tìm hiểu việc bán thực phẩm chức năng trên mạng xã hội nhận thấy, đa phần các sản phẩm chỉ nói về công dụng và thương hiệu của sản phẩm, còn nguồn gốc thì không đề cập. Nhiều sản phẩm không có thông tin công bố quy chuẩn kỹ thuật, công bố hợp quy. Hầu hết các sản phẩm được quảng cáo là nhập khẩu đều không có tem nhãn phụ, mã vạch.

Trong khi đó, đối tượng mua thực phẩm chức năng thường tập trung vào người già, cao tuổi để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, hậu quả sẽ khôn lường nếu người già nhiều bệnh tật lại uống phải các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí là hàng giả.

Bà Phan Thị Minh, 70 tuổi, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) nghe quảng cáo trên mạng, không tham khảo ý kiến con cái đã mua trọn gói 2 sản phẩm thuốc hỗ trợ đau dạ dày giá 2,5 triệu đồng, tặng kèm một hộp đông trùng hạ thảo, một hộp nấm linh chi, một hộp bổ gan. Khi nhận hàng, con gái bà Minh kiểm tra, tra cứu giá và chất lượng sản phẩm thì đều là hàng trôi nổi, không có mã kiểm tra hàng thật giả, cũng không có tên công ty.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Quỳnh, 60 tuổi, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) tin theo quảng cáo trên mạng về thực phẩm chức năng Glucosamin chữa đau xương khớp nên đã cùng một vài người hàng xóm mua thuốc. Thời gian đầu uống thuốc, bà Quỳnh cũng giảm nhanh các triệu chứng đau nhức xương, nhưng không lâu sau khuôn mặt bà bỗng sưng phù nề, mí mắt sụp, chân tay sưng do giữ nước. Quá lo lắng, bà Quỳnh đến khám tại bệnh viện, bị chẩn đoán suy thượng thận.

Hay mới đây, tại tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa xuất hiện một nhóm người xưng là nhân viên của doanh nghiệp về các thôn, tổ dân phố tại nhiều địa phương để mời, dụ dỗ người người cao tuổi mua các mặt hàng thực phẩm chức năng, thuốc...với giá cao hơn nhiều so với giá thị trường nhưng chất lượng sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Mặc dù, các sản phẩm được bán với giá chục triệu đồng, nhưng người mua không có hóa đơn đỏ, hóa đơn không có thông tin công ty mà được ghi rất sơ sài. Quan trọng hơn, khi kiểm tra mã vạch, tên công ty, địa chỉ nơi sản xuất… rất nhiều người “ngã ngửa” bởi không có bất cứ thông tin gì về nguồn gốc sản phẩm này.

Tại TP.HCM, ngày 27/6/2023, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức đấu tranh và triệt phá nhóm đối tượng buôn bán thực phẩm chức năng kém chất lượng trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên cả nước, thu lợi bất chính hơn 100 tỷ đồng.

Công tác quản lý còn nhiều bất cập người tiêu dùng cần thông minh trong việc lựa chọn

Sau khi trải qua giai đoạn dịch Covid-19 nhiều khó khăn, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao; trong đó, thực phẩm chức năng được nhiều người tiêu dùng quan tâm, mua sử dụng. Tuy nhiên, hiện do công tác quản lý thị trường thực phẩm chức năng còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng các loại thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thiếu kiểm soát, bán tràn lan... gây mất lòng tin, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.

Thực tế hiện có rất nhiều người vì tin và mua những sản phẩm thực phẩm chức năng kém chất lượng bị trà trộn, quảng cáo qua mạng dưới mác "xách tay" đã phải "tiền mất tật mang". Bởi lẽ, chưa bao giờ thực phẩm chức năng lại đa dạng và dễ dàng mua bán, sử dụng như hiện nay.

Chỉ cần lướt qua trên trang mạng xã hội, không khó để tìm kiếm những món thực phẩm chức năng thông dụng trên Facebook với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo từng trang phân phối. Tất cả đều được quảng cáo là hàng chính hãng xách tay, do người thân, bạn bè, tiếp viên hàng không mua về. Muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có, mua càng nhiều, giá càng rẻ. Đơn cử như Vitamin E, viên bổ não, dầu cá, thuốc sụn khớp, vi cá mập..., những loại thực phẩm chức năng có xuất xứ nhập ngoại là loại sản phẩm mà rất nhiều người dân tìm mua sử dụng.

Cũng chính vì nhu cầu cao như vậy, nên những kênh online bán các sản phẩm này đua nhau mọc ra, nhưng không phải chịu bất cứ sự kiểm soát nào. Người bán ngang nhiên bán, người mua vô tư mua, giá bán thì không biết đằng nào mà lần.

Nói tới tác hại khi dùng phải thực phẩm chức năng kém chất lượng, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng cho biết, khi sử dụng thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần tỉnh táo, nếu thấy sản phẩm được quảng cáo là chữa được bệnh như ung thư, gout... thì biết ngay đó là hàng giả, vì hiện nay chưa có thuốc gì chữa được ung thư, mà tất cả chỉ là hỗ trợ điều trị bệnh. Thậm chí có doanh nghiệp đăng ký ở một địa chỉ, nhưng thực tế sản xuất tại địa chỉ khác, khi bán được hàng thì mở công ty, không bán được thì bỏ nhưng website quảng cáo bán hàng vẫn còn. Vì vậy, người tiêu dùng cần tìm hiểu về hoạt động của công ty có sản phẩm mình đang cần. Tránh tình trạng tiền mất tật mang.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Trần Việt Nga cho biết, hiện nay, có nhiều cảnh báo để người tiêu dùng tránh mua phải hàng trôi nổi. Mỗi sản phẩm bán ra thị trường đều được dán tem mã vạch riêng, người mua có thể kiểm chứng nguồn gốc trước khi nhận hàng thông qua phần mềm để kiểm tra mã vạch sản phẩm.

Khi mua sản phẩm chính hãng, người tiêu dùng nên quét mã UPC, nếu không có thông tin thì nên tránh mua. Đồng thời, người dân cần tố giác đến các cơ quan chức năng khi phát hiện cơ sở, trang mạng bán sản phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc. Đó chính là một trong những cách thức hữu hiệu góp phần đẩy lùi hành vi gian lận thương mại đang len lỏi khắp nơi như "vòi bạch tuộc".

Về phương án, mới đây Bộ Y tế đã đề xuất các bộ, ngành liên quan có biện pháp siết chặt việc cấp giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị, tổ chức. Đối với các sàn giao dịch thương mại điện tử, Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ phối hợp tăng cường quản lý chặt chẽ, xử lý, công khai danh sách các đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm...

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang