Cảnh báo sử dụng điện thoại kết nối với sạc dự phòng có thể gây cháy nổ

author 12:57 29/07/2023

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây liên tiếp các vụ việc sử dụng điện thoại kết nối với sạc dự phòng phát nổ gây thương tích nghiêm trọng cho người dùng.

Sạc dự phòng là một thiết bị phổ biến và được nhiều người sử dụng vì sự tiện lợi mà nó đem lại. Tuy tiện lợi nhưng hiện nay, nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra vì nổ sạc dự phòng, gây thiệt hại nghiêm trọng. Nó có thể xảy ra với bất kỳ hãng điện thoại nào.

Liên tiếp các vụ cháy nổ do vừa dùng điện thoại vừa cắm sạc dự phòng

Vụ việc điển hình, vào chiều 25/12/2022, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất tiếp nhận tàu bay A320/9M-AGL, chuyến bay AK130/KUL-HKG của hãng hàng không Air Asia Maylaysia xin hạ cánh khẩn cấp. Lý do là một hành khách người Trung Quốc (26 tuổi) khi ngồi trên tàu bay mang theo pin sạc dự phòng điện thoại. Trong khi máy bay đang bay, hành khách sử dụng pin dự phòng dẫn đến phát nổ, khiến bị bỏng ở đùi và tay trái.

Chiều 26/6/2023, mạng xã hội chia sẻ clip ghi lại một vụ nổ kinh hoàng xảy ra ở một khu nhà trọ. Tiếng nổ lớn khiến nhiều vật dụng vỡ nát, bay tung tóe. Vụ việc xảy ra tại khu nhà trọ trên đường Phú Chánh 26 (phường Phú Chánh, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Nguyên nhân vụ nổ bước đầu được xác định là do cục sạc dự phòng và điện thoại đang sạc điện bất ngờ phát nổ. Vụ nổ làm hư hỏng một xe máy và nhiều tài sản bên trong căn phòng trọ.

Cảnh báo sử dụng điện thoại cắm sạc dự phòng có thể gây cháy nổ. Ảnh minh họa

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La đã tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi L.M.T., (7 tuổi, trú tại Chiềng Lao, Mường La, Sơn La) bị thương do nổ sạc dự phòng điện thoại.

Theo lời kể từ gia đình, bệnh nhi sử dụng điện thoại kết nối với sạc dự phòng, không may bị ngã khiến sạc dự phòng phát nổ. Tai nạn khiến bệnh nhi chảy nhiều máu vùng bẹn bìu và được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Mường La cấp cứu trước khi chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La. 

Nguyên nhân sạc dự phòng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao

Mặc dù sạc pin dự phòng là một thiết bị khá tiện lợi nhưng lại ẩn chứa nguy cơ cháy nổ nguy hiểm nếu dùng sản phẩm kém chất lượng hoặc sử dụng không đúng cách.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, cùng với nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều thì sự xuất hiện của những pin sạc dự phòng kém chất lượng với mẫu mã đa dạng, bắt mắt, giá thành rất rẻ so với những pin sạc dự phòng chính hãng ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, khi chúng ta chủ quan về sự an toàn của pin sạc dự phòng, đặc biệt là những pin sạc kém chất lượng, thì có thể gây ra cháy, nổ rất nguy hiểm.

Pin sạc dự phòng phát nổ thường do hiện tượng quá nhiệt khi sạc trong thời gian dài. Pin sạc hoạt động theo quá trình nạp hoặc xả pin đều phát sinh nhiệt, vì vậy nếu hoạt động trong quãng thời gian dài sẽ làm cho nhiệt độ pin sạc tăng cao. Đặc biệt đối với những pin sạc kém chất lượng sử dụng lõi pin Li-Ion có chất điện phân là dung môi hữu cơ sẽ dễ gây cháy, nổ. Trong quá trình sạc pin cho pin sạc dự phòng có thể xuất hiện hiện tượng quá tải hoặc dòng điện không ổn định. Nếu pin sạc sử dụng mạch điều khiển kém chất lượng, khi xuất hiện các hiện tượng trên, mạch sẽ không tự ngắt, khiến cho lõi pin bị nóng quá mức, gây cháy, nổ.

Theo TS Trần Văn Thịnh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, sử dụng pin sạc dự phòng đã bị va đập, rơi vỡ, bung vỏ sẽ có hiện tượng pin sạc nóng bất thường. Dưới tác động của lực va đập trực tiếp có thể làm nứt hoặc thủng lõi pin, tạo ra phản ứng vật lý của pin lithium-ion, dẫn đến nhiệt độ pin sạc tăng cao gây cháy, nổ. Rất nhiều người dân, nhất là chị em phụ nữ, thường có thói quen sạc điện thoại bằng pin sạc dự phòng và để trong cốp xe khi di chuyển. Dưới sức nóng từ động cơ tỏa ra, cùng với môi trường đóng kín nằm dưới yên xe, khi đi dưới điều kiện nắng nóng, nhiệt độ trong cốp sẽ không dưới 40 độ C. Pin là một vật khá nhạy cảm với nhiệt độ cao, nếu để trong cốp xe kín quá lâu, chúng có thể phát nổ.

Đặc biệt nguy hại là các loại pin sạc dự phòng trôi nổi, có giá rẻ hơn hàng chục lần so với hàng chính hãng. Có những loại pin ví dụ dung lượng bên ngoài ghi là 20.000 miliampe, bên trong 5 quả pin thì có một quả là giả, ở trên bao bì pin không nói rõ là bao nhiêu miliampe thì chắc chắn dung lượng này không đạt.

Bên cạnh đó, lõi pin, bảng mạch, dòng điện nạp và xả không đạt chuẩn khiến thiết bị được sạc dễ hỏng hơn. Nếu nhẹ thì ảnh hưởng đến tuổi thọ của pin, nặng hơn thì ảnh hưởng đến toàn hệ thống máy. Các mẫu pin dự phòng đang trôi nổi trên thị trường hầu hết không trang bị tính năng tự ngắt dòng điện khi đầy, gây ra hiện tượng chập mạch điện. Nhưng kể cả với các mẫu có kiểm soát dòng điện, đôi khi vẫn có sự cố do nguồn điện hoặc thiết bị nóng quá mức và gây cháy nổ.

Theo các chuyên gia công nghệ, khi mua pin sạc dự phòng, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm thương hiệu có uy tín và nhà phân phối uy tín. Trước khi mua, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm mình định mua, cách sạc, cách sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân và thiết bị dùng, cũng như tránh những nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.

Thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay

Năm 2017, Uỷ ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) đã công bố tiêu chuẩn mới cho pin lithium là bộ tiêu chuẩn IEC 61960:2017, IEC 62133:2017 thay thế cho các tiêu chuẩn mà Việt Nam dùng để tham chiếu xây dựng QCVN 101:2016/BTTTT.

Để phù hợp với thực tế và hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, cần thiết phải xây dựng quy chuẩn mới QCVN 101:2020/BTTTT (sửa đổi QCVN 101:2016/BTTTT) để quản lý pin lithium cho thiết bị cầm tay gồm: pin lithium cho điện thoại di động, pin lithium cho máy tính bảng, pin lithium cho máy tính xách tay. Ngày 09/7/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 15/2020/TT-BTTTT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang