Bí ẩn đằng sau lời nguyền cổ đại của các Pharaoh Ai Cập

author 19:03 18/06/2015

(VietQ.vn) - Lời nguyền được đặt trên lối vào lăng mộ của các vị Pharaoh Ai Cập luôn là một trong những điều huyền bí thu hút trí tò mò của rất nhiều người trên thế giới. Không ít câu chuyện, tin đồn đã tồn tại xung quanh các ngôi mộ và xác ướp Ai Cập từ nhiều thế kỷ trước.

Sự kiện: Hiện tượng bí ẩn nổi tiếng thế giới

Theo VnExpress, các ghi chép từ thời Trung Cổ đến Cận Đại đều viết rằng, không nên can thiệp vào khu chôn cất của người Ai Cập cổ đại vì sẽ bị ám. Người ta cho rằng thầy tu lập lời nguyền xung quanh khu chôn cấp để bảo vệ xác ướp và hành trình tâm linh của họ sau khi chết. Bất kỳ ai bước vào quấy rầy lăng mộ và xác ướp đều bị "lời nguyền của Pharaoh" ám, sẽ gặp vận rủi và bất đắc kỳ tử.

Người Ai Cập phát nguyền khi tổ chức nghi lễ bảo vệ khu chôn cất. Lời nguyền được ghi trong nhà thờ của lăng mộ, trên tường, cánh cửa giả, bia, tượng, đôi khi là quan tài.

Một trong những lời nguyền nổi tiếng nhất thế giới là “Lời nguyền của Pharaoh,” hay còn được biết đến là lời nguyền của Pharaoh Tutankhamun. “Cái chết sẽ tới với những kẻ phá hoại giấc ngủ của các Pharaoh”, là lời cảnh báo được khắc trong lăng mộ của Pharaoh (vua Ai Cập) Tutankhamun tại Luxor khi nó được khám phá vào tháng 2/1923 - lần đầu tiên sau 3.000 năm.

Lời nguyền trong hầm mộ của Pharaoh Tutankhamun là một trong những lời nguyền nổi tiếng nhất thế giới

Lời nguyền trong hầm mộ của Pharaoh Tutankhamun là một trong những lời nguyền nổi tiếng nhất thế giới. Ảnh Mirror

Kể từ thời điểm đó, những câu chuyện xoay quanh những người phải đối mặt với lời nguyền khủng khiếp vì dám quấy rối nơi yên nghỉ của nhà vua đã trở nên vô cùng thần bí.

Cái chết đầu tiên được cho là do lời nguyền là của George Edward Stanhope Molyneux Herbert, bá tước đệ ngũ của Carnarvon. Ông là một quý tộc người Anh cũng là một nhà Ai Cập học nghiệp dư, người đã tài trợ cho công cuộc tìm kiếm, báo Vietnamplus cho hay. Cái chết của ông ngày 25/3/1923, chỉ một năm sau khi hầm mộ được khai quật, được tin là một bí ẩn. Chưa hết, trong những năm tiếp theo, lời nguyền của các Pharaoh đã cướp đi sinh mạng của thêm vài nạn nhân nữa trong số những người có liên quan tới cuộc thám hiểm định mệnh ấy.

Câu chuyện mang điềm gở này bắt đầu vào tháng 4/1923 khi Carnarvon thức dậy trong phòng khách sạn của mình ở thủ đô Cairo của Ai Cập và nói: “Tôi cảm thấy thật tồi tệ”. Khi con trai Carnarvon tới nơi thì ông đã bất tỉnh. Đêm đó Carnarvon đã không qua khỏi. Cái chết của ông được cho là do bị muỗi độc đốt và đáng chú ý là vết đốt trùng với vị trí một vết bẩn trên xác ướp Tutankhamun.

Không lâu sau đó lại có một cái chết ở ngay chính khách sạn này. Nhà khảo cổ người Mỹ Arthur Mace, một trong những người dẫn đầu đoàn thám hiểm, than phiền vì mệt mỏi và đã bất ngờ bị hôn mê rồi chết trước khi các bác sĩ tới nơi chẩn đoán điều gì đã xảy ra với ông.

Nhà khảo cổ học Howard Carter đang nghiên cứu quan tài Paraoh Tutakhamun

Nhà khảo cổ học Howard Carter đang nghiên cứu quan tài Paraoh Tutakhamun. Ảnh The Times

Cái chết nối liền cái chết. Một người bạn thân của Carnarvon là George Gould đã vội vã tới Ai Cập ngay khi ông được biết về cái chết của vị bá tước. Gould đã tới lăng mộ Pharaoh. Ngày sau đó ông bị sốt cao và qua đời chỉ sau 12 giờ đồng hồ. Chuyên gia y tế Archibald Reid, người đã chụp X-quang xác ướp của Tutankhamun, kêu ca vì bị kiệt sức. Ông về nhà mình ở Anh và chết không lâu sau đó. Thư ký riêng của Carnarvon trong chuyến thám hiểm, Richard Bethell, được tìm thấy đã chết trên giường vì lên cơn đau tim. Nhà công nghiệp người Anh Joel Wool là một trong những người đầu tiên đi vào lăng mộ. Ông cũng sớm thiệt mạng vì một trận sốt khó hiểu.

Tuy nhiên, những người hoài nghi về lời nguyền cho rằng, rất nhiều người đến thăm và khám phá lăng mộ vẫn sống khỏe mạnh. Một nghiên cứu cho thấy, trong số 58 người có mặt khi lăng mộ và quan tài mở ra, chỉ có tám người chết trong vòng 10 năm sau đó.

Hầu hết lời nguyền Ai Cập có vẻ siêu hình. Tuy nhiên, một số trường hợp lăng mộ có chứa cạm bẫy, cũng như chất độc gây tổn thương hoặc tử vong cho những kẻ xâm phạm. Kỹ sư Ai Cập cổ đại phủ lên sàn nhà và tường trong lăng mộ bằng bột hematite, loại bụi kim loại sắc nhọn gây ra cái chết từ từ và đau đớn cho người hít phải.

Trong khi lời nguyền dường như là sự mê tín của người xưa, rất nhiều người hiện đại ngày nay vẫn trang bị cho mình vật bảo mệnh, hoặc bùa chú để chống lại ảnh hưởng của lời nguyền.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy một hiện tượng tâm lý kỳ lạ. Những người tin rằng mình đang bị nguyền rủa không thể chống chọi được bệnh tật, cuối cùng chết vì căng thẳng tinh thần. Rất có thể lời nguyền từ thời cổ đại vẫn hiệu lực cho đến ngày nay nhờ cách này.

Đinh Ly (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang