Cha mẹ phải biết biến chứng nguy hiểm khi tự bổ sung sắt cho con

authorMinh Hà 10:13 19/09/2017

(VietQ.vn) - Sắt là một nguyên tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên sắt có thể gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ nếu cha mẹ tự ý bổ sung sắt không đúng cách.

Vì sao cơ thể không thể thiếu sắt?

Sắt là một nguyên tố vi lượng rất quan trọng cho quá trình tạo máu trong cơ thể, nhất là đối với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển. Thiếu sắt sẽ gây ra bệnh lý thiếu máu, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống của trẻ. Đặc biệt, cơ thể thiếu sắt sẽ rất mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ kém, hay quên.

Sắt là nguyên tố vi lượng rất quan trọng cho quá trình tạo máu trong cơ thể. Ảnh minh họaSắt là nguyên tố vi lượng rất quan trọng cho quá trình tạo máu trong cơ thể. Ảnh minh họa

Ở trẻ lớn bị thiếu máu thiếu sắt dễ bị mệt mỏi hay ngủ gật, thiếu tập trung trong giờ học dẫn đến việc học tập sa sút. Nếu thiếu sắt xảy ra trong giai đoạn sớm của cuộc đời, nhất là trong những tháng đầu tiên, sẽ ảnh hưởng đến chỉ số phát triển tâm thần - vận động về sau của trẻ. Trẻ thiếu sắt càng nhiều và càng lâu thì trí thông minh càng kém, sự phát triển vận động càng chậm chạp.

Theo điều tra những năm gần đây của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt trung bình ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8%, tỷ lệ này ở khu vực miền núi là 31,2%, nông thôn là 28,4% và ở thành thị là 22,2%. Do đó việc bổ sung sắt cho trẻ là một vấn đề rất quan trọng, giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy vậy, việc bổ sung các vi lượng như sắt cho trẻ cần được hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia y tế, cha mẹ không nên lạm dụng hay tự ý bổ sung cho con dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Những biến chứng nguy hiểm khi tự ý bổ sung sắt

Trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm chứa sắt, cha mẹ không nên tự ý mua về dùng cho trẻ. Vì nếu không cẩn thận sẽ dẫn tới tình trạng thừa sắt cũng sẽ gây hại.

Nói về những tác hại khi bổ sung sắt không đúng cách, chia sẻ trên báo vietnamnet, bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, nguyên giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thừa sắt cũng có tác hại không kém gì thiếu sắt vì sắt là kim loại nặng gây độc cho mô cho tế bào, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thể, khả năng đào thải sắt qua gan và thận của trẻ lại chưa hoàn thiện do đó rất dễ gây ngộ độc nếu dùng nhiều.

Sức tàn phá kinh hoàng cho làn da khi sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid(VietQ.vn) - Sử dụng mỹ phẩm chứa corticoid có thể khiến làn da của cô gái ở tuổi đôi mươi bị tàn phá nghiêm trọng và già nua như bà lão.

Bổ sung sắt quá liều trong thời gian dài còn có thể gây các nguy cơ như tổn thương gan, bệnh cơ tim, tăng đường máu…

Theo Bác sĩ Liên, không phải trường hợp nào thiếu máu cũng là thiếu sắt. Một số bệnh lý gây thiếu máu do hiện tượng tan máu trong cơ thể, khi đó lượng sắt trong cơ thể vốn đang thừa nhiều do hồng cầu bị vỡ giải phóng ra. Việc bổ sung thêm sắt vào lúc này sẽ làm bệnh nặng hơn. Do đó, việc uống thuốc cần phải có chẩn đoán rõ ràng và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM phân tích trên báo  Người Đưa tin, đã có trường hợp trẻ bị Thalassemia nhưng phụ huynh không biết vẫn vô tư bổ sung sắt khiến trẻ bị biến chứng lên gan do ứ sắt ở gan, da, xương.

Trẻ bị Thalassemia có biến chứng lên gan do ứ sắt ở gan, da, xương... (Ảnh minh họa)

Trẻ bị Thalassemia có biến chứng lên gan do ứ sắt ở gan, da, xương... Ảnh minh họa

Bác sỹ Nguyễn Thanh Sang phân tích: "Thiếu máu hồng cầu nhỏ có nhiều nguyên nhân trong đó có thể do thiếu sắt hoặc cũng có thể do Thalassemia hoặc các bệnh lý nội khoa mạn tính tiềm ẩn khác chưa được tìm ra. Nếu thực sự là thiếu sắt thì việc sử dụng sắt sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng thiếu máu sau 30 - 60 ngày bổ sung sắt uống theo liều quy định, hoặc dạng siro.

Nếu là Thalassemia thì việc tự ý sử dụng sắt là cực kỳ nguy hiểm bởi vì một trong các biến chứng nặng nề và lâu dài của Thalassemia là phải truyền máu định kỳ, thậm chí hàng tháng.

Truyền máu hơn 20 lần phải có chỉ định thải sắt của bác sĩ để tránh biến chứng lên gan, thận, xương sọ... Nên chuyện bố, mẹ tự ý sử dụng sắt cho con khi thấy con xét nghiệm thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc là sai.

Minh Hà (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang