Bình Thuận: Tạm giữ hàng trăm sản phẩm không có hóa đơn chứng từ

author 16:58 12/06/2023

(VietQ.vn) - Lực lượng Quản lý Thị trường tỉnh Bình Thuận vừa tạm giữ 426 sản phẩm thời trang, thực phẩm, phụ kiện điện thoại không có hóa đơn, chứng từ.

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận) đã kiểm tra, tiến hành tạm giữ 426 sản phẩm thời trang, thực phẩm, phụ kiện điện thoại không có hóa đơn, chứng từ, giá trị gần 55 triệu đồng để xử lý theo quy định.

Cụ thể, ngày 05/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra hộ kinh doanh tại TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh lô hàng 67 sản phẩm thời trang như túi xách, giày, dép,… các loại, giá trị hơn 32 triệu đồng, trên nhãn hàng hóa không thể hiện nơi sản xuất, xuất xứ của hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Theo đại diện chủ cơ sở, các hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ là do mua trôi nổi trên thị trường.

 Số hàng hóa vi phạm không rõ nguồn gốc bị thu giữ. 

Từ ngày 07-08/6/2023, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng kiểm tra đột xuất hai cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm và phụ kiện điện thoại trên địa bàn phường Phú Thủy và Thanh Hải, TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại các cơ sở nêu trên đang kinh doanh lô hàng 355 sản phẩm phụ kiện điện thoại các loại có xuất xứ từ Trung Quốc và lô hàng 94 sản phẩm thực phẩm (bánh, kẹo,… các loại) có xuất xứ Hàn Quốc và Nhật Bản với tống giá trị trên 20 triệu đồng, trên sản phẩm hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng ngước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện hai cơ sở kinh doanh trên không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Đội Quản lý thị trường số 1 đã tạm giữ toàn bộ lô hàng nêu trên và đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để xem xét, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh vi phạm.

Liên quan tới hình thức xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu như sau: Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng; Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định tại khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau đây: Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hàng hóa nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang