Sợi dài làm từ polyester nhập khẩu bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời

author 15:53 03/09/2021

(VietQ.vn) - Sau một thời gian điều tra, Bộ Công Thương đã có kết luận sơ bộ về vụ việc sợi dài làm từ polyester nhập khẩu từ 4 nước Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ có hiện tượng bán phá giá tại Việt Nam.

Bộ Công Thương bắt đầu quá trình điều tra từ tháng 4/2020. Ngày 6/4/2020, Bộ Công thương bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc theo yêu cầu là đại diện của ngành sản xuất trong nước gồm 3 Công ty: Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam, Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Industries và Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ sau khi nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester vào ngày 7/9/2019.

Sản phẩm bị điều tra là sợi dài polyester có các mã số HS 5402.33.00, 5402.66.00 và 5402.47.000 có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Theo đó, bên yêu cầu là đại diện của ngành sản xuất trong nước đã đề nghị áp dụng thuế chống bán phá giá với hàng hóa bị điều tra cụ thể như sau: Mức thuế đề nghị với sợi dài làm từ polyester của Trung Quốc là 17%, Ấn Độ 54%, Indonesia 60,6%, Malaysia 6,4%. Quá trình điều tra tuân thủ và thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan cũng như Hiệp định chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Theo Cục phòng vệ thương mại, kết quả điều tra cho thấy trong thời kỳ điều tra từ năm 2017 đến năm 2019, lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia gia tăng đột biến. Lượng nhập khẩu từ 189.262 tấn trong năm 2017 đã tăng lên tới 300.000 tấn trong năm 2019.Trong bối cảnh Covid-19, nhập khẩu sản phẩm sợi filament trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 258 nghìn tấn, tăng tới 37% so với cùng kỳ năm 2020. Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân chính gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Căn cứ vào các kết quả điều tra, Bộ Công Thương đã đưa ra quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm sợi dài làm từ polyester xuất xứ từ các nước nói trên.

Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sợi dài làm từ polyester nhập khẩu các nước Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sợi dài làm từ polyester nhập khẩu các nước Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc. Ảnh minh họa

Theo quyết định được ban hành, hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời là các sản phẩm sợi dài làm từ polyester bao gồm các nhóm sợi chính sau: sợi polyester định hướng một phần (POY), sợi dún polyester (DTY) và sợi polyester được định hướng toàn phần( FDY). Các loại hàng hóa bị áp thuế chống bán phá giá tạm thời được phân loại theo các mã HS sau: 5402.33.00, 5402.46.00, 5402.47.00.

Mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ là 54,9%, Indonesia 21,94%, Malaysisa 21,23%, Trung Quốc 3,36-17,15%. Thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực sau 03 ngày kể từ ngày có quyết định. Thời hạn áp dụng là 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực (trừ khi được gia hạn, thay đổi, hủy bỏ theo quy định của pháp luật).

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, việc điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá sẽ góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước, tăng cường tính tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong thời gian vừa qua,Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện cho nhiều ngành kinh tế, trong đó có dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan, ngành sản xuất trong nước phải đáp ứng quy tắc xuất xứ chặt chẽ theo từng FTA. Do vậy, việc tăng cường chủ động sản xuất  nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu về xuất xứ sẽ giúp ngành dệt may tận dụng được lợi ích từ các FTA.

Dựa trên kết quả điều tra sơ bộ cùng với quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định tạm thời về vụ việc. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để thu thập thông tin, làm rõ các nội dung, đánh giá tác động toàn diện của vụ việc trước khi đưa ra quyết định chính thức theo đúng quy định pháp luật.

Cũng liên quan đến vấn đề về áp thuế chống bán phá giá, trước đó vào ngày 8/7/2021, Bộ Công Thương đã có quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm sorbitol có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia ở mức 39,63% đến 68,5% dựa theo các kết quả đã được tính toán cụ thể.

Sorbitol còn được gọi là D-sorbitol,D-glucitol hoặc đường đơn Sorbitol. Sorbitol không chỉ tồn tại ở dạng lỏng mà còn cả dạng bột. Sorbitol lỏng được dùng trong ngành thực phẩm, dược phẩm,thú ý, thủy sản, mỹ phẩm. Hóa chất sorbitol lỏng cũng được dùng làm chất nhũ hóa và chất ổn định trong thực phẩm. Qua điều tra, lượng nhập khẩu sorbitol bị bán phá giá đã tăng trong giai đoạn từ 1-4-2017 đến 31-3-2020. Đây là nguyên nhân chính đã gây ra sức ép đáng kể cho hoạt động của các ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí: sản lượng, hiệu suất sử dụng công suất, tồn kho, lượng bán hàng, doanh thu bán hàng,….Sau 7 tháng điều tra sơ bộ (tính từ tháng 12/2020), Bộ Công Thương sẽ công bố kết quả điều tra cuối cùng vào quý III năm 2021.

Kết quả điều tra cuối cùng về sorbitol sẽ được Bộ Công Thương công bố vào quý III/2021. Ảnh minh họa

Sợi dài làm từ polyester- còn gọi là sợi PFY hay sợi filament, được sử dụng nhiều để dệt các loại vải dùng trong ngành may mặc. Trong may mặc, vải dệt chủ yếu được dệt từ ba loại sợi: sợi filament (sợi PFY), sợi xơ ngắn (PSF) và sợi thiên nhiên (chủ yếu là sợi bông). Sợi PFY chiếm khoảng 30% lượng tiêu thụ. Công suất thiết kế sợi PFY của các nhà sản xuất trong nước đạt 350.000 tấn/ năm,đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước-khoảng 270.000 tấn/năm.

Ngọc Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang