Bộ Y tế, Công thương đang né trách nhiệm?

author 08:30 24/11/2012

(VietQ.vn) - Trong khi các chị em đang hết sức hoang mang, lo lắng về chất độc có khả năng gây ung thư trong áo ngực Trung Quốc thì Bộ Y tế và Công thương đang thiếu những hành động kiên quyết cần thiết.

"Đổ vấy" cho nhau

Trả lời báo chí, ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế), cho biết sản phẩm áo ngực không thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế mà thuộc Bộ Công Thương, đầu mối quản lý về chất lượng hàng hóa.

Tuy nhiên, trước công bố áo ngực Trung Quốc chứa chất gây ung thư, đại diện Bộ Y tế cho rằng vẫn chưa nhận được văn bản từ Bộ Công Thương đề nghị phối hợp làm rõ việc có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng hay không.
 
Trước đó cũng trả lời các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng: Ở khía cạnh của bộ Y tế chỉ có thể khuyến cáo người dân nên chọn sản phẩm áo ngực đảm bảo chất lượng, mặc vừa vặn không quá chật hay quá rộng để ngực không bị thắt, máu không lưu thông làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Áo cần thấm mồ hôi.
Nhiều chị em trong lúc chờ ý kiến chính thức từ cơ quan chức năng đã tìm mua các sản phẩm áo ngực đắt tiền
Nhiều chị em trong lúc chờ ý kiến chính thức từ cơ quan chức năng đã tìm mua các sản phẩm áo ngực đắt tiền
 
"Chất lượng áo với những “hạt lạ” và dung dịch độn trong áo cần hỏi bên Bộ Công thương sẽ rõ hơn vì bên đó quản lý về chất lượng hàng hóa này"- Ông Nguyễn Huy Quang từng khẳng định.
 
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng, cho biết đến thời điểm này, đơn vị vẫn chưa nhận được kết luận chính thức từ ngành y tế là hóa chất trong áo ngực Trung Quốc có gây ung thư hay không nên chi cục đang chờ kết luận rồi mới có quyết định. Tuy nhiên, chi cục vẫn chỉ đạo các đội QLTT tăng cường kiểm tra và nếu phát hiện áo ngực không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ thu hồi và xử lý theo quy định.
 
Trong khi đó, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, cho rằng trước đây, khi có thông tin áo ngực Trung Quốc chứa chất lạ, chi cục chỉ đạo các đon vị trực thuộc kiểm tra ngay mặt hàng này. Sau đó, lực lượng QLTT đã tịch thu, tiêu hủy hàng chục ngàn áo ngực Trung Quốc vi phạm. Tuy nhiên, không công khai như trước nhưng áo ngực Trung Quốc vẫn còn bày bán ở nhiều chợ.
 
Thương nhân Việt hại người tiêu dùng 
 
Theo nhiều chủ hàng bán đồ lót ở Hải Phòng, loại áo ngực có "chất lạ" này đã xuất hiện từ năm 2009. Khi được hỏi về nguồn gốc loại nước cũng như hạt cứng màu trắng đựng trong túi nước phía trong áo ngực thì tất cả các chủ hàng đều không trả lời nhưng lại quả quyết rằng những túi hạt ấy chỉ có tác dụng mát xa và nâng đỡ bộ ngực của chị em.
 
Tại Chợ Hàng, Chị Mai cho biết: Loại hàng áo đệm nước này đã có mặt tại Hải Phòng từ rất lâu, thời thịnh vượng nhất là những năm 2009 – 2010. Trước đây chỉ có loại túi đệm nước không hạt nhưng giờ có thêm loại túi nước có hạt và loại đệm cao su dẻo chứa lỗ nhỏ…những nặt hàng này dùng tất tốt vì có sự đàn hồi cho bộ ngực tuy nhiên mặt hàng chị cũng không lấy được nhiều vì loại hàng này nghe đâu đã bị cấm biên?
 
Ở Hà Nội, khảo sát tại chợ Ngã Tư Sở (Thanh Xuân) và chợ Phùng Khoang (huyện Từ Liêm) cũng tương tự. Các loại áo ngực Trung Quốc bày la liệt, đổ đống ngổn ngang. Theo các chủ hàng, áo ngực có giá rẻ từ 15 – 30.000 đồng/chiếc thì chỉ được độn lớp mút bên trong, rất bí.
 
Ghi nhận tại thị trường ở TPHCM, chị em đã có phản ứng mạnh với các áo ngực mang nhãn mác Trung Quốc. Tại chợ đêm Hạnh Thông Tây, nơi có rất nhiều sạp hàng bán đồ lót, mọi ngày khách mua nườm nượp nhưng mấy ngày gần đây, khách đã hạn chế hơn, người mua cũng cẩn trọng hơn khi chọn áo.
 
Khi được hỏi về áo ngực đệm nước, nhiều tiểu thương ở chợ Hạnh Thông Tây, chợ Ngã Tư Ga đều e dè lắc đầu bảo… không có hoặc hết hàng. Thực tế, mặt hàng này vẫn được tiểu thương trộn vào bán cho khách, chỉ khác là không giới thiệu cho khách như trước nữa.  
Các thương hiệu áo ngực nổi tiếng trên thế giới đang được bày bán rất chạy
 
Theo nhận định của chị Tú Oanh, Giám đốc Marketing của Trung tâm Thời trang ILIT, nhà phân phối nhãn hàng quần áo lót Bcom, Yiselle của Pháp, Trung Quốc hiện là công xưởng của cả thế giới.
 
Do đó, rất nhiều thương hiệu đồ lót trên thế giới đặt xưởng sản xuất tại Trung Quốc. Bcom, Yiselle là thương hiệu áo ngực của Pháp nhưng cũng được sản xuất từ nhà máy của hãng đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc. Thông tin về nơi sản xuất, thành phần chất liệu đều được ghi đầy đủ trên tag, mác của mỗi sản phẩm áo ngực Bcom, Yiselle. 
Là người nhiều năm kinh doanh mặt hàng “phụ kiện” cho chị em, chị Oanh cũng “bật mí”, phần đông áo ngực rẻ tiền đang được bán tràn lan trên thị trường cũng là do các thương nhân người Việt Nam sang tận Trung Quốc để đặt hàng.
 
Các xưởng may Trung Quốc sau khi nhận đơn đặt hàng sẽ sản xuất các loại áo ngực tương đương với mức giá do thương nhân Việt Nam ấn định. Ví dụ, một chiếc áo ngực có thương hiệu sẽ được sản xuất với mức giá chi phi nguyên liệu từ 10 USD trở lên thì một chiếc áo ngực “nhái” chỉ được sản xuất với chi phí nguyên liệu khoảng trên dưới 1 USD. 
 
Với chi phí rẻ như vậy thì sản phẩm khó lòng được sản xuất với những chất liệu, sợi vải tốt nhất. Trong khi đó, áo ngực có thương hiệu khi đưa vào bán tại thị trường Việt Nam đều qua xét nghiệm tại các Trung tâm giám định chất lượng may mặc và Chi cục Quản lí thị trường.
 
Các mẫu vải phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng, kích cỡ size phải đúng theo tiêu chuẩn của Viện nghiên cứu nhân trắc học về cỡ size của người Việt Nam và được thay đổi đo đạc lại 3 năm/lần. Còn các loại áo ngực rẻ tiền hoàn toàn không qua kiểm định chất lượng. 
 
Theo ghi nhận của PV Chất lượng Việt Nam, do lo sợ bị ảnh hưởng đến sức khỏe bởi dung dịch và các hạt lạ trong áo, nhiều chị em đã quyết định tẩy chay sản phẩm này. Một số người chọn giải pháp vẫn dùng hàng chợ nhưng chỉ chọn những chiếc áo ngực có lớp độn bằng vải, mút thông thường, tránh xa những loại chứa hạt massgage, đệm silicon....
 
Nhưng đa phần, các chị em hiện nay đã có ý thức hơn về việc sử dụng những loại đồ lót của những thương hiệu có tiếng như Vera, Triump, Yiselle… Người đại diện của Công ty Quốc tế Quadrille & Vera cho biết, từ năm 2005, Vera đã có cuộc kiểm tra chất lượng áo ngực, và nhận định chất liệu tốt nhất dùng làm đệm bên trong áo ngực phải là 100% vải cotton như Vera đang sử dụng. Tuy nhiên, nhiều hãng sản xuất đã dùng dung dịch bên trong áo ngực. 
 

Đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công thương phối hợp

"Kết quả phân tích định lượng trong một số mẫu áo ngực Trung Quốc đã phát hiện chất gây ung thư. Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng hàm lượng chất gây ung thư tìm thấy trong những mẫu áo ngực này chưa đến mức nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Đáng tiếc là Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hàm lượng PAH trong dầu khoáng nên không thể biết được mức độ độc hại đến đâu. Đề nghị, Bộ Y tế và bộ Công thương cần vào cuộc nhanh chóng, nếu không công bố xong kết quả chẳng đi đến đâu, rồi những chiếc áo ngực sẽ rơi vào lãng quên" - TS Vũ Đức Lợi, Viện hóa học.

 
Mai Anh Tuân - Nguyễn Hoàng - Minh Lê
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang