C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Bồi thường 3,9 tỉ đồng có khỏa lấp trách nhiệm của URC?

authorDương Phương Ngọc 06:39 26/09/2016

(VietQ.vn) - Theo LS Trần Tuấn Anh, số tiền 3,9 tỷ đồng bồi thường vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì thoạt nhìn là khá lớn, khỏa lấp phần nào trách nhiệm của URC nhưng...

Trong mấy ngày vừa qua, vụ Công ty URC (đơn vị sản xuất 2 sản phẩm C2 và Rồng đỏ) cho xuất xưởng những chai nước ngọt nhiễm chì lại “nóng” trở lại bởi yêu cầu bồi thường thiệt hại của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).

Trước đó, trong buổi làm việc giữa Công ty URC và Vinastas, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó chủ tịch Vinastas, đã đề nghị URC phải dành ra một khoản tài chính để bồi thường cho người tiêu dùng.

Mức bồi thường đề xuất dựa trên tổng số sản phẩm nhiễm chì đã bán ra thị trường nhưng không thu hồi được, tương đương số tiền gần 3,9 tỉ đồng. Dù phía URC chưa có ý kiến về vấn đề này nhưng số tiền Vinastas đề nghị đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận. Số tiền này là nhiều hay ít và dựa trên căn cứ nào, có đầy đủ cơ sở pháp lý không là những vấn đề mà nhiều độc giả đang băn khoăn.

Chưa vào mùa lạnh, thị trường bình nóng lạnh đã vội 'nóng'(VietQ.vn) - Thị trường bình nóng lạnh năm nay vào mùa sớm với sức tiêu thụ tăng mạnh. Nhu cầu cao cùng nhiều khuyến mãi khiến mặt hàng này "sốt" ngay từ đầu vụ.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội) cho biết: Trên thực tế, tính cho đến thời điểm này, chưa ai chứng minh được thiệt hại từ hành vi của URC gây ra cho người tiêu dùng, trong khi đó, đây lại là yếu tố quan trọng nhất, bắt buộc phải chứng minh trong các vụ việc liên quan đến yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Và cho đến giờ, cũng không ai hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào có văn bản chính thức kết luận về việc người tiêu dùng chỉ bị thiệt hại tối đa là 3,9 tỷ đồng do các sản phẩm C2, Rồng đỏ của URC gây ra và mức bồi thường này là tương xứng với thiệt hại thực tế mà URC đem đến khi xâm phạm sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng.

Mặt khác, xét dưới góc độ pháp lý, trong trường hợp này cũng rất khó xác định ai là chủ thể trực tiếp nhận bồi thường bởi người tiêu dùng là một khái niệm rất chung chung, khó xác định.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch.

Cũng theo nhận xét của luật sư Trần Tuấn Anh: Số tiền 3,9 tỷ đồng trên, thoạt nhìn có thể là khá lớn và phần nào khỏa lấp được trách nhiệm của URC với cộng đồng, đặc biệt là trong thời điểm nhạy cảm này.

Song cần phải xem lại đây thực chất là tiền gì? “Bởi nếu đã gọi là bồi thường thiệt hại thì phải tuân theo nguyên tắc của Bộ luật Dân sự, mà cụ thể trong trường hợp này là các quy định về "bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" sẽ được áp dụng để giải quyết” – luật sư Trần Tuấn Anh giải thích.

Tại Điều 630 Bộ luật Dân sự cũng như nội dung Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều thống nhất quy định khi: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Tuy nhiên, để xác định được chính xác mức thiệt hại xảy ra trên thực tế đối với tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng do những sản phẩm khuyết tật của URC gây ra để đưa ra một mức (số tiền) bồi thường cụ thể lại không hề đơn giản.

Vì căn cứ quan trọng nhất để yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chính là "thiệt hại xảy ra trên thực tế". Thiệt hại đó có thể bao gồm: Thiệt hại về vật chất (tính mạng, sức khỏe, tài sản...); Thiệt hại về tinh thần và toàn bộ chi phí hợp lý để khắc phục, giảm thiểu thiệt hại đó (được quy định cụ thể tại Điều 604 đến 612 Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005).

Như vậy, việc chỉ căn cứ vào giá bán ra của sản phẩm C2, Rồng đỏ để làm căn cứ đưa ra mức bồi thường (như cách mà Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng đã tính toán) là không chính xác, chưa toàn diện và không đúng quy định về bồi thường thiệt hại.

Hay nói cách khác, trong trường hợp này, chưa một ai xác định được chính xác mức thiệt hại trên thực tế để làm căn cứ bồi thường, cũng như chưa tính toán được toàn bộ chi phí mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức và trực tiếp là người tiêu dùng đã phải chi trả để “hạn chế, khắc phục” được thiệt hại do hành vi vi phạm của URC gây ra đối với người tiêu dùng.

 Vụ yêu cầu URC bồi thường - Cần xác định lại căn cứ pháp lý!

Thêm vào đó, luật sư Tuấn Anh cho rằng: Xét dưới góc độ pháp lý, trong trường hợp này, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cũng không thỏa mãn yếu tố là chủ thể để có thể được nhận khoản tiền bồi thường thiệt hại từ URC, bởi Hội này không phải là “người bị thiệt hại” trực tiếp từ hành vi vi phạm của URC gây ra.

Chính vì vậy, để đảm bảo tính pháp lý của khoản tiền “bồi thường” mà Vinastas yêu cầu URC chi trả, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch nhấn mạnh: Hội cần phải xác định rõ đây là khoản tiền bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của URC đối với người tiêu dùng do những sản phẩm khuyết tật của mình gây ra? Hay chỉ là khoản kinh phí hỗ trợ Vinastas trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam?

“Có như vậy, Hội mới có thể “đường đường chính chính” nhận và tiêu khoản tiền trên theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Hội cần phải tiếp tục yêu cầu URC cam kết có trách nhiệm với người tiêu dùng (kể cả về chất lượng sản phẩm cũng như bồi thường thiệt hại) khi lợi ích của người tiêu dùng bị xâm phạm bởi các sản phẩm khuyết tật do URC sản xuất và phân phối” – Luật sư Trần Tuấn Anh kết luận.

Cũng đồng tình với quan điểm trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm cũng cho rằng: Việc đề xuất Công ty URC bồi thường 3,9 đồng là không có cơ sở.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa HN) đặt câu hỏi: “Tại sao là 3,9 đồng chứ không phải 10 tỷ hay 39 tỷ đồng? căn cứ nào để đưa ra con số đó?”.

Việc bồi thường phải rõ ràng, rành mạch, chứ không thể chung chung. “Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng đề xuất URC bồi thường như đã nêu là không có cơ sở. Muốn đưa ra mức bồi thường phải xác định, người tiêu dùng bị thiệt hại ra sao (về kinh tế, sức khỏe). Hiện tại mới xác định được yếu tố kinh tế do đó chưa thể đưa ra được con số bồi thường”, PGS. Thịnh nói.

Một số chuyên gia khác thì cho rằng: Vụ việc C2 và Rồng đỏ nhiễm chì là vụ việc nghiêm trọng, không chỉ liên quan đến Luật bảo vệ người tiêu dùng mà còn liên quan đến Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, Luật cạnh tranh, Luật thương mại.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, sau 4 tháng kể từ ngày sự cố C2, Rồng đỏ nhiễm chì vượt ngưỡng bị phanh phui, ngoài việc xin lỗi người dùng, phía công ty URC chưa hề có động thái nào thể hiện sự thiện chí để đền bù thỏa đáng cho người dùng với những hiểm họa đầu độc sức khỏe người Việt khủng khiếp bằng sản phẩm khuyết tật mà họ đã gây ra.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB phụ nữ với tiêu dùng thẳng thắn bày tỏ quan điểm phản đối URC khi chia sẻ với báo chí. Bà quả quyết:“Khi sản phẩm đã bị lỗi, cho dù chỉ là một bộ phận mà vẫn tiếp tục quảng cáo là nghịch lý. Đáng ra, C2 và Rồng đỏ không được quảng cáo nữa”.

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang