Các dự án ngành ô tô có thêm lực đẩy phát triển

author 06:27 19/02/2019

(VietQ.vn) - Năm 2019 này, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, các dự án ngành ô tô sẽ có thêm lực đẩy phát triển.

Tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho dự án ngành ô tô

Tại cuộc họp về tình hình thực hiện Nghị định số 116 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô cuối tháng 1/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu các bộ ngành, nhất là Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô; thực hiện quyết liệt các giải pháp, cơ chế, chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam; đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ngành công nghiệp ô tô, tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là đối với các nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp đầu tư tàu, đảm bảo lợi ích hài hòa cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trong việc kiểm tra, đánh giá tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm ô tô nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước ASEAN đáp ứng điều kiện được hưởng ưu đãi thuế suất (0%) theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát chính sách về ô tô, đánh giá toàn diện tác động tới thị trường ô tô Việt Nam sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN có hiệu lực với các mặt triển vọng, khó khăn, thách thức và đề xuất giải pháp phát triển, tạo điều kiện thuận lợi, đẩy mạnh công nghiệp ô tô tại Việt Nam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý II/2019.

Trên thực tế, việc phát triển ngành công nghiệp ô tô có sự đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ. Bởi công nghiệp hỗ trợ là một trong những yếu tố quyết định giá bán xe ô tô do doanh nghiệp trong nước sản xuất và lắp ráp. Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), do công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô chưa phát triển nên chi phí sản xuất xe ở Việt Nam đang cao hơn xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN khoảng từ 10-20%.

Chính vì vậy, ngay tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra tháng 12/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã khẳng định, phát triển công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu cấp thiết hiện nay, để mang lại động lực thúc đẩy sự phát triển chung của ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô…

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng về tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô, Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2019 này, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy các dự án ngành ô tô như của Công ty CP ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty CP Tập đoàn Thành Công, Vinfast và các dự án khác. Đặc biệt là tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.

Bộ sẽ xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước, đồng thời, nghiên cứu các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng nghiên cứu sửa đổi để phát triển công nghiệp hỗ trợ, để khắc phục những bất cập về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, cũng như chính sách riêng biệt cho các ngành có đặc thù riêng.

Nâng cao năng lực doanh nghiệp ngành ô tô

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, với tác động từ các chính sách quan trọng như chính sách thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt; Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện…, thị trường ô tô Việt Nam năm 2018 đã có sự chuyển biến tích cực. Mức tiêu thụ của toàn ngành ô tô Việt Nam năm 2018 lên tới trên 352.200 xe, đây là mức kỷ lục trên thị trường ô tô Việt Nam từ trước đến nay. Đặc biệt, trong danh sách 10 ô tô bán chạy nhất Việt Nam năm 2018 đã có tới 9 mẫu xe lắp ráp trong nước.

Cũng trong năm 2018, nhiều dự án lớn của ngành công nghiệp ô tô đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của toàn ngành, như: Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast (tổng vốn đầu tư 35.000 tỷ đồng, công suất 500.000 xe/năm), Nhà máy sản xuất ô tô Thaco Mazda (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm); Nhà máy sản xuất ô tô Huyndai Thành Công (tổng vốn đầu tư 1.320 tỷ đồng, công suất 40.000 xe/năm)...

Đáng mừng là ngành công nghiệp ô tô đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt. Điển hình là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công…

 
Thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu mục tiêu đề ra, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp cũng như các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường...
 

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia, Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, để khắc phục những bất cập về danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, cũng như chính sách riêng biệt cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô đặc thù riêng; tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp và các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thu hút vốn các nguồn lực phục vụ hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Việc Bộ Công Thương thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy các dự án ngành ô tô được xem là những tín hiệu tốt cho việc gia tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới, tạo lực đẩy phát triển cho ngành công nghiệp này.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang