Cách đánh giá kết quả học tập theo thang điểm trong đào tạo tín chỉ tân sinh viên cần ghi nhớ

authorPhương Nam 06:01 08/09/2017

(VietQ.vn) - Đào tạo tín chỉ là hình thức không mới nhưng đối với các tân sinh viên mới bước chân vào đại học thì đây là hình thức học tập lạ và khác biệt so với thời THPT.

Do vậy, các tân sinh viên cần làm quen với các khái niệm trong  đào tạo tín chỉ và đặc biệt cách đánh giá kết quả học tập theo thang điểm trong đào tạo tín chỉ để làm quen với môi trường học tập mới và đạt kết quả tốt nhất.

Cách đánh giá kết quả học tập theo thang điểm trong đào tạo tín chỉ tân sinh viên cần ghi nhớ

 Cách đánh giá kết quả học tập theo thang điểm trong đào tạo tín chỉ tân sinh viên cần ghi nhớ - Ảnh Diendansinhvien.

Theo quy chế 43 – Quy chế Đào tạo tín chỉ thì học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích luỹ trong quá trình học tập. Phần lớn học phần có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Kiến thức trong mỗi học phần phải gắn với một mức trình độ theo năm học thiết kế và được kết cấu riêng như một phần của môn học hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Từng học phần phải được ký hiệu bằng một mã số riêng do trường quy định. Có hai loại học phần: học phần bắt buộc và học phần tự chọn.

Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên. Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp.

Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân.

Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường.

Đối với những chương trình, khối lượng của từng học phần đã được tính theo đơn vị học trình, thì 1,5 đơn vị học trình được quy đổi thành 1 tín chỉ. Một tiết học được tính bằng 50 phút.

Về giá kết quả học tập, kết quả học tập của sinh viên được đánh giá sau từng học kỳ qua các tiêu chí sau:

Thứ nhất, số tín chỉ của các học phần mà sinh viên đăng ký học vào đầu mỗi học kỳ (gọi tắt là khối lượng học tập đăng ký).

Thứ hai, trung bình chung học kỳ là điểm trung bình có trọng số của các học phần mà sinh viên đăng ký học trong học kỳ đó, với trọng số là số tín chỉ tương ứng của từng học phần.

Thứ ba khối lượng kiến thức tích lũy là khối lượng tính bằng tổng số tín chỉ của những học phần đã được đánh giá theo thang điểm chữ A, B, C, D tính từ đầu khóa học.

Thứ 4, điểm trung bình chung tích lũy là điểm trung bình của các học phần và được đánh giá bằng các điểm chữ A, B, C, D mà sinh viên đã tích lũy được, tính từ đầu khóa học cho tới thời điểm được xem xét vào lúc kết thúc mỗi học kỳ.

Về cách đánh giá kết quả học tập theo thang điểm như sau: Điểm học phần làm tròn đến một chữ số thập phân, sau đó được chuyển thành điểm chữ. Loại A (8,5 - 10): Giỏi; B (7,0 - 8,4): Khá; C (5,5 - 6,9): Trung bình; D (4,0 - 5,4): Trung bình yếu; F (dưới 4,0): Kém. Loại F là không đạt.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang