Cách điều trị hen phế quản và yếu tố kích phát cơn hen

author 18:03 25/10/2016

(VietQ.vn) - Do nguyên nhân gây bệnh ở mỗi người khác nhau nên các bác sĩ sẽ lập kế hoạch và cách điều trị hen phế quản cho từng bệnh nhân.

Biến chứng nguy hiểm, dễ tử vong

Khí hậu nóng lạnh bất thường, cộng thêm sự thay đổi về độ ẩm là yếu tố dẫn đến phế quản dễ bị co thắt. Đây là bệnh viêm mạn tính đường thở do nhiều tế bào và các thành phần tế bào tham gia. Viêm đường thở mạn tính kết hợp với tăng đáp ứng đường thở dẫn đến những đợt thở rít, khó thở, nghẹt lồng ngực, ho tái diễn…

Những biến chứng của bệnh hen rất nguy hiểm đến tính mạng, bởi người bệnh có thể tử vong ngay lập tức chỉ sau vài phút không thở được. Điều này rất dễ gặp trong hen cấp, người bệnh có nguy cơ tử vong do suy hô hấp vì nghẹt thở.

Ngoài ra, hen phế quản có thể gây ra các biến chứng khác như: tràn khí phế nang do ho, ép ngực hoặc do gắng sức để thở. Về diễn biến lâu dài, hen phế quản có thể gây ra giãn phế nang, khí phế thũng và dẫn đến suy tim phải (hay còn gọi là tâm phế mãn), người bệnh khó thở, suy hô hấp vừa do bệnh lý đường hô hấp và vừa do suy tim phải, rất dễ tử vong.

 Do nguyên nhân gây bệnh ở mỗi người khác nhau nên các bác sĩ sẽ lập kế hoạch và cách điều trị hen phế quản cho từng bệnh nhân.

Theo PGS.TS Lê Thị Minh Hương -  Trưởng khoa Miễn dịch (Bệnh viện Nhi Trung ương), các yếu tố kích phát cơn hen bao gồm khói, khói thuốc lá, mùi nặng, ô nhiễm không khí, hoạt động mạnh, tiếp xúc với không khí lạnh khô….

Trong đó có một số thuốc có thể gây bệnh hen và làm cho hen xấu đi như aspirin, thuốc kháng viêm non-steroid (ibuprofen), thuốc chẹn beta dùng trong điều trị bệnh tim mạch, cao huyết áp, đau nửa đầu)….

Phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân

Do nguyên nhân gây bệnh hen ở mỗi người khác nhau, nên bác sĩ sẽ đánh giá và lập kế hoạch điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân, bao gồm: Kế hoạch kiểm soát môi trường tránh tiếp xúc với yếu tố gây nên cơn hen; kế hoạch dùng thuốc dự phòng và thuốc cắt cơn; kế hoạch xử lý cơn hen cấp. Sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân, gia đình, nhà trường và nhân viên y tế là yếu tố quan trọng trong quản lý hen.

Cách sử dụng thuốc cắt cơn hen và thuốc dự phòng hen trong điều trị bệnh hen, cụ thể như sau:

Đối với thuốc cắt cơn (cấp cứu): thuốc giãn phế quản, được gọi là “thuốc cấp cứu” làm giãn mở đường thở. Thuốc giãn phế quản bao gồm: thuốc đồng vận beta 2 và thuốc kháng cholinergic. Thuốc có dạng hít, dạng uống (viên, siro) hoặc dạng tiêm.

Có một số loại corticosteroid được dùng đợt ngắn (uống hoặc tiêm) để giúp điều trị kháng viêm đường thở trong những trường hợp viêm nặng.

Đối với thuốc dự phòng hen – kiểm soát lâu dài: Thuốc kiểm soát lâu dài được dùng hàng ngày để kiểm soát tình trạng viêm mãn tính đường thở.

Corticosteroid dạng hít, cromolyn, leucotriene… giúp kiểm soát viêm dị ứng mạn tính trong đường thở ở hầu hết bệnh nhân hen.

Cần hỏi kỹ tiền sử dị ứng thuốc của bệnh nhân trước khi kê đơn(VietQ.vn) - Bộ Y tế hướng dẫn các thầy thuốc, cơ sở y tế phải khai thác kỹ tiền sử dị ứng thuốc của người bệnh trước khi kê đơn hoặc dùng thuốc.

Thuốc đồng vận beta 2 tác dụng kéo dài dạng hít kiểm soát triệu chứng co thắt phế quản. Tuy nhiên các thuốc này chỉ sử dụng kéo dài khi kết hợp với corticosteroid dạng hít.

Methylxanthines giúp giãn đường thở vừa phải và có thể có tác dụng kháng viêm nhẹ. Nhưng ít dùng ở trẻ em.

Anti Leucotrien được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng, hen do vận động và các thể hen, khò khè trẻ nhỏ.

Omalizumab là kháng thể đơn dòng kháng IgE, dạng tiêm giúp làm nghẽn quá trình viêm dị ứng. Thuốc này được dùng ở những bệnh nhân hen dị ứng dai dẳng, khó kiểm soát.

Ngoài việc điều trị bằng thuốc, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, người bị hen cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh ăn những thức ăn gây dị ứng cho cơ thể, tập hít thở, tập thể dục thường xuyên.

Đặc biệt, người bị hen nên ghi nhật ký triệu chứng hen hàng ngày để đánh giá mức độ kiểm soát bệnh với điều trị hiện tại. Tái khám định kỳ khi hen đã được kiểm soát, người bệnh nên khám định kỳ 1-3 tháng/1 lần.

Huy Anh

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang