Cách sử dụng thuốc kháng sinh an toàn, hợp lý để tránh nguy cơ tử vong

authorNgọc Nga 14:56 05/05/2023

(VietQ.vn) - Thuốc kháng sinh là bước ngoặt lớn trong lịch sử y học nhân loại, giúp cứu sống hàng triệu người mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, kháng kháng sinh đang gia tăng mức độ nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của cộng đồng.

Gia tăng các ca bệnh nặng do kháng kháng sinh 

Tổ chức Y tế Thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1, thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đây là thực trạng đáng báo động. Đáng lo ngại là số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng gia tăng, trong đó, đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại.

Năm 2021 - 2022, nhóm tác giả của Trường đại học Y Hà Nội, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội) đã có nghiên cứu về tình hình nhiễm khuẩn của bệnh nhân mới vào Khoa Hồi sức tích cực - BV Bạch Mai.

Cần dùng kháng sinh đúng loại, đúng liều lượng, không bỏ sót liều và dùng đủ thời gian như đơn kê của bác sĩ. Ảnh minh họa 

Theo nghiên cứu này, trong số 174 bệnh nhân nhiễm khuẩn vào Khoa Hồi sức tích cực có mẫu nuôi cấy dương tính thì vi khuẩn thường gặp nhất là những vi khuẩn gram âm với tỷ lệ K.pneumonia (34,5%), A.baumannii (29,9%), P.aeruginosa (12,1%), E.coli (12,1%), S.aureus (10,9%). Trong đó, tính nhạy cảm kháng sinh của A.baumannii và K.pneumonia đang có xu hướng giảm, đặc biệt với kháng sinh Colistin. Vi khuẩn gram dương chủ yếu là S.aureus kháng methicillin (MRSA) còn nhạy với vancomycin. Chủng vi khuẩn E.coli còn nhạy với carbapenem và amikacin.

Những bệnh nhân đã nhiễm khuẩn lúc mới vào Khoa Hồi sức tích cực đều có tình trạng nặng. Đa số bệnh nhân từ nơi khác chuyển đến đều nhiễm vi khuẩn gram âm. Trong khi đó, tình trạng nhạy cảm kháng sinh đang có xu hướng giảm, ngay cả với các kháng sinh dự trữ (là kháng sinh cho những chọn lựa cuối cùng, có hoạt tính chống lại vi khuẩn kháng đa kháng hoặc kháng rộng), đặc biệt với vi khuẩn A.baumannii và K.pneumonia.

Tương tự theo Thạc sỹ, bác sỹ Lâm Tiến Tùng - Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, có khoảng 20% bệnh nhân tại khoa bị nhiễm vi khuẩn kháng đa thuốc. Việc kháng thuốc kháng sinh, đặc biệt là kháng đa thuốc gây khó khăn cho công tác điều trị, bệnh nhân phải điều trị dài ngày, phối hợp nhiều loại thuốc, gây tốn kém. Trong đó, có đến hơn 70% vi khuẩn kháng hết với các kháng sinh thường dùng như nhóm Penicillin, Microlide, Cephalosporin và khoảng hơn 30% vi khuẩn đa kháng kháng sinh, thậm chí có trường hợp không kháng sinh nào đáp ứng, bị tử vong.

Cách sử dụng thuốc kháng sinh an toàn, phù hợp

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, kháng sinh ngày nay đã trở thành một loại thuốc được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh gây ra hiện tượng kháng thuốc cùng nhiều tác hại khác như: không hiệu quả, vi khuẩn gây bệnh vẫn tồn tại và có thể lây truyền sang người khác.

Trước thực tế nhiều bệnh nhân nhập viện đã nhiễm vi khuẩn "cứng đầu" thì việc sử dụng thuốc kháng sinh an toàn, hợp lý là một trong các vấn đề được các bệnh viện chú trọng hiện nay.

Cụ thể, đối với bác sĩ việc sử dụng thuốc kháng sinh cho bệnh nhân phải đúng thuốc. Chọn đúng phải dựa trên kháng sinh đánh đúng vào vi khuẩn gây bệnh mình muốn hướng tới và nó xâm nhập vào vị trí nhiễm trùng.

Việc sử dụng đúng liều cũng rất quan trọng vì nếu kháng sinh chọn đúng nhưng không đủ liều dùng thì không có ý nghĩa với vi khuẩn, không tiêu diệt được vi khuẩn, ngược lại còn tôi luyện cho vi khuẩn được sống trong môi trường kháng sinh, tích lũy cho vi khuẩn những gien đề kháng kháng sinh.

Cần sử dụng đủ một liệu trình điều trị. Nếu chúng ta trị ngắn quá, dài quá đều gây hại, phải đủ thời gian quy định. Trong quá trình bệnh nhân điều trị kháng sinh, bác sĩ phải đánh giá cẩn thận; xem có tác dụng phụ hay không để điều chỉnh.

Đối với bệnh nhân tuyệt đối không để dành kháng sinh cho lần ốm sau hay cho người thân, bạn bè dùng. Bởi dùng sai thuốc có thể làm chậm trễ việc điều trị đúng và làm cho vi khuẩn tiếp tục phát triển. Nếu bác sĩ xác định rằng không mắc bệnh nhiễm khuẩn, hãy hỏi cách làm giảm nhẹ các triệu chứng và đừng yêu cầu bác sĩ phải kê đơn kháng sinh.

Chỉ dùng kháng sinh khi có đơn của bác sĩ. Ví dụ viêm họng do liên cầu khuẩn là một loại bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra. Nếu không được điều trị cẩn thận, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như viêm thận hoặc thấp tim. Điều trị bằng kháng sinh sẽ giúp làm giảm nhẹ triệu chứng, rút ngắn thời gian bị bệnh, giảm thiểu nguy cơ xảy ra các biến chứng trên. Đồng thời giúp hạn chế lây bệnh cho những người xung quanh. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả điều trị, cần phải dùng kháng sinh đủ liều và đủ thời gian như đơn kê của bác sĩ. Ngừng kháng sinh sớm hoặc không đủ liều có thể gây ra đề kháng kháng sinh, bệnh dễ tái phát lại và nghiêm trọng hơn so với ban đầu.

Hãy luôn ghi nhớ dùng kháng sinh đúng loại, đúng liều lượng, không bỏ sót liều và dùng đủ thời gian như đơn kê của bác sĩ, kể cả khi đã thấy khỏe hơn. Bỏ dở liệu trình điều trị là cơ hội cho vi khuẩn sống sót trở lại, tiếp tục nhân lên và đề kháng lại kháng sinh.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang