Cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm giúp nâng cao tính cạnh tranh khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Vì sao thị phần cà phê của Việt Nam sụt giảm mạnh tại Trung Quốc
Chính thức áp thuế chống bán phá giá 35,2% đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Trung Quốc
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2 về nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, nhưng đứng đầu về nhập khẩu rau quả. Trung Quốc được xem như chợ tiêu thụ nông sản lớn trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có nguồn cung tương tự. Điều này đòi hỏi nông sản Việt không chỉ chất lượng mà còn phải có thương hiệu để có thể đứng vững tại thị trường này.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), để duy trì, đẩy mạnh hoạt động giao thương sang Trung Quốc, doanh nghiệp cần thực hiện tốt 3 vấn đề sau. Cụ thể, thực hiện nghiêm chỉnh Lệnh 248 quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài, Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu; trong đó có hoàn thiện hồ sơ trước ngày 30/6/2023. Doanh nghiệp cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP. Cùng với đó là đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.
Bắt kịp và thích ứng với thị trường Trung Quốc sẽ giúp nông sản, thủy sản Việt tìm được chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc. Lệnh 248 và Lệnh 249 được coi là kim chỉ nam trong hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc. Hai lệnh tạo thành hệ thống bảo vệ cho người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Từ các khâu truy xuất mã vùng trồng, vùng nuôi, đóng gói, vận chuyển... đều phải được quản lý chặt chẽ. Việc minh bạch thông tin sản xuất, quản lý tốt về mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại sang Trung Quốc.
Được biết, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã thực hiện triển khai truyền thông mạnh mẽ các quy định 248 và 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Trung Quốc và quản lý an toàn thực phẩm. Đến nay, Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.492 mã số doanh nghiệp xuất nhập khẩu theo Lệnh 248. Bộ cũng cấp trên 2.000 mã số vùng trồng và 1.438 mã số cơ sở đóng gói sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bộ đã triển khai rất mạnh xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu.
Điều đáng lưu ý là mới đây Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, yêu cầu các doanh nghiệp phải cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí, đảm bảo thực thi nghiêm túc các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc.
Thanh Tùng