Cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khi áp dụng phương pháp quản lý chất lượng toàn diện
Hải Phòng: Công bố Bộ chỉ số đánh giá quản lý chất lượng tổng thể theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020
Xây dựng, duy trì các mối quan hệ - nguyên tắc cơ bản trong quản lý chất lượng
Cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ khi áp dụng phương pháp quản lý chất lượng toàn diện. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ngày càng quan trọng. Để đạt chất lượng mong muốn cần có sự quản lý đúng đắn. Hoạt động quản lý trong lĩnh vực chất lượng được gọi là quản lý chất lượng. Hoạt động này bao gồm các hoạt động nhằm định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng. Quản lý chất lượng đảm bảo cho doanh nghiệp làm đúng những việc phải làm. Doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, phải tìm hiểu và áp dụng có hiệu quả các tư tưởng và công cụ quản lý chất lượng.
Dựa trên tiến trình phát triển tư duy về quản lý chất lượng, có thể chia thành 5 bước phát triển như sau: Kiểm tra chất lượng - Kiểm soát chất lượng - Đảm bảo chất lượng - Kiểm soát chất lượng toàn diện (TQC - Total Quality Control) - Quản lý chất lượng toàn diện (TQM - Total Quality Managenment).
Theo định nghĩa từ Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), TQM - quản lý chất lượng toàn diện là cách quản lý một tổ chức, doanh nghiệp tập trung vào chất lượng, dựa vào sự tham gia của các thành viên trong một tổ chức để đạt được sự thành công lâu dài nhờ thỏa mãn khách hàng và đem lại lợi ích cho các thành viên của tổ chức và xã hội.
Phương pháp quản lý chất lượng toàn diện TMQ thường có 7 nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất, sự hài lòng của khách hàng: TQM là một quá trình được tập trung vào đối tượng chủ yếu là khách hàng. Mục đích của TQM thể hiện sự cải tiến về hoạt động kinh doanh thường xuyên giúp cho các thành viên có liên quan được tham gia vào các hoạt động và cùng hướng tới mục tiêu cụ thể, từ đó cải thiện về chất lượng sản phẩm, dịch vụ được tốt nhất.
Thứ hai, ra quyết định dựa trên thực tế: TQM xây dựng dựa trên nguyên tắc tối ưu các quyết định mang tính chất thực tế bằng việc sử dụng những số liệu liên quan tới hiệu suất. Thứ ba, truyền thông hiệu quả: Mỗi doanh nghiệp cần có một cuộc đối thoại cởi mở trong toàn bộ tổ chức.
Thứ tư, tư duy chiến lược: Chất lượng phải là một phần trong tầm nhìn dài hạn của tổ chức. Thứ năm, hệ thống tích hợp: Một tầm nhìn chung, bao gồm kiến thức và cam kết về các nguyên tắc chất lượng, giữ cho mọi người trong công ty được kết nối. Ngay cả các nhà cung cấp cũng là một phần quan trọng của hệ thống.
Thứ sáu, tập trung vào quy trình: Doanh nghiệp có hệ thống cấu trúc mọi hoạt động thành các quy trình và do đó, xác định vị trí và lặp lại quy trình tốt nhất. Cuối cùng là cải tiến liên tục: Mỗi nhân viên phải luôn suy nghĩ về cách thực hiện tốt hơn công việc của họ để hướng tới mục đích chung của doanh nghiệp.
Một số lợi ích khi doanh nghiệp áp dụng TQM có thể kể đến là: Hình ảnh doanh nghiệp tốt đẹp hơn; Khách hàng trong và ngoài doanh nghiệp thỏa mãn nhiều hơn; Lực lượng lao động cam kết thực hiện đúng chính sách chất lượng của doanh nghiệp; Giảm chi phí trong sản xuất và tiêu dùng; Cải tiến dịch vụ phục vụ khách hàng; Tăng thị phần và lợi nhuận doanh nghiệp...
Mai Phương