Cần điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hoá có hại góp phần bảo vệ môi trường

author 06:11 31/10/2023

(VietQ.vn) - Bộ Tài chính cho biết, cần điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng hoá có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Nhiều ý kiến đồng thuận với việc cơ quan soạn thảo đề xuất thực hiện chính sách mở rộng cơ sở tính thuế đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường như đồ uống có đường cũng như việc nghiên cứu tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng.

Theo Bộ Tài chính, Luật thuế TTĐB năm 2008 đã qua 3 lần sửa đổi trước đó, bổ sung vào năm 2014, 2016 và năm 2022 để xử lý các bất cập phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới, chính sách thuế TTĐB hiện hành vẫn còn những hạn chế nhất định cần tiếp tục được hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế TTĐB như đối tượng chịu thuế TTĐB còn hẹp so với thông lệ quốc tế; thuế suất thuế TTĐB đối với một số hàng hoá khi sử dụng gây tác hại đến sức khoẻ và xã hội, cũng như việc điều tiết đối với một số hàng hoá xa xỉ còn thấp chưa đạt được mục tiêu hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội...

Yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ.

Yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, nhất là đối với hàng hóa có hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa 

Theo dự thảo tờ trình về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã đề xuất thực hiện chính sách mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế (bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp), cụ thể là nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn.

Đồng thời điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường, cụ thể là nghiên cứu tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng, nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.

Dự thảo đề xuất 4 chính sách thực hiện như sau: Thứ nhất, mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế (bổ sung đối tượng chịu thuế và áp dụng thuế suất phù hợp). Giải pháp đặt ra là nghiên cứu bổ sung áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường và dịch vụ hạn chế sử dụng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước như: Đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng,...

Chính sách thứ hai đó là điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, một số mặt hàng nhằm góp phần bảo vệ môi trường. Giải pháp là nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số mặt hàng; tăng thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ (thuốc lá, rượu, bia) để hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng; điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng thân thiện với môi trường và khắc phục bất cập phát sinh trong thực tế.

Chính sách thứ ba là sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Luật để đảm bảo cơ sở pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo chính sách minh bạch và đồng bộ với quy định của pháp luật khác có liên quan. Giải pháp đặt ra là bổ sung quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế TTĐB để đảm bảo cơ sở pháp lý giải quyết vướng mắc phát sinh, đồng bộ với quy định của pháp luật khác (Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Tiêu chuẩn Việt Nam về phương tiện giao thông đường bộ - ô tô...).

Chính sách thứ tư đó là sửa đổi, bổ sung về điều khoản hướng dẫn thi hành. Bộ Tài chính đề xuất trình Chính phủ dự kiến tiến độ của dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi như sau: Chính phủ lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để UBTVQH báo cáo Quốc hội thông qua đề nghị bổ sung dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023). Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Thuế TTĐB sửa đổi tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024).

Liên quan tới vấn đề này, bà Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, hiện nay chưa có sản phẩm nào gây ra tỷ lệ tử vong cao như thuốc lá, tạo gánh nặng về y tế, sức khỏe và cả kinh tế. Tại Việt Nam, giá thuốc lá còn rất rẻ, người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm thuốc lá có sẵn trên thị trường… mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ thuế áp lên thuốc lá quá thấp.

“Một trong những biện pháp mà WHO khuyến cáo và có thể thực hiện đó là đánh thuế với những sản phẩm có hại cho sức khỏe như thuốc lá, đồ uống có cồn bên cạnh việc giảm quảng cáo, giảm hoạt động xúc tiến thương mại để giảm tiêu dùng sản phẩm độc hại. Chúng ta đều biết, tăng thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm mức tiêu thụ nhanh và trong thời gian ngắn. Do vậy, WHO đề xuất Chính phủ Việt Nam cân nhắc áp dụng mức thuế cao nhất có thể để đạt được hiệu quả giảm tiêu thụ thuốc lá trong thời gian tới”, bà Angela Pratt kiến nghị.

Ủng hộ định hướng sửa Luật Thuế TTĐB của Bộ Tài chính, trong đó có việc sửa cách tính thuế với mặt hàng thuốc lá, bà Angela Pratt nhấn mạnh, hiện tại, các mức áp dụng chưa đủ cao, do đó, vẫn chưa nhận thấy mức tiêu thụ thuốc lá giảm.

Theo bà Angela Pratt, đối với thuốc lá, cần đề ra mức thuế đủ cao để có tác động đến mức tiêu thụ các sản phẩm có hại cho sức khoẻ này. “Bên cạnh đó, việc sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn sẽ dẫn đến một loạt tác động tiêu cực đến sức khỏe, do đó, tăng mức thuế áp dụng cho các sản phẩm này cũng cần phải đủ cao để có tác động đến việc tiêu thụ. Nói cách khác, nguyên tắc cơ bản là Việt Nam cần đặt các mức giá đủ cao để ngăn cản người mua những sản phẩm không tốt cho sức khỏe này”, chuyên gia của WHO khuyến nghị.

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh mức thuế suất đối với một số mặt hàng, cụ thể là thuốc lá, theo chia sẻ của bà Trần Thị Tuyết, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, mặt hàng thuốc lá đã được tăng thuế suất thuế TTĐB theo lộ trình từ năm 2016-2019, song tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao, có xu hướng gia tăng.

Theo WHO, WB, IMF, giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia như Thái Lan, Brunei, Malysia…, do đó, cần có lộ trình tăng thuế suất TTĐB đối với thuốc lá theo định hướng áp dụng thuế hỗn hợp, bổ sung thuế tuyệt đối.

Đối với việc bổ sung đối tượng chịu thuế là đồ uống có đường, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng gánh nặng sức khỏe ngày càng tăng do tiêu thụ đồ uống có đường và thuế TTĐB là 1 trong 3 chính sách nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường.

Theo bà Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng quốc gia, đánh thuế với đồ uống có đường có thể là một chiến lược đôi bên cùng có lợi, bao gồm lợi ích cho y tế công cộng (ngăn chặn chi phí chăm sóc sức khỏe), lợi ích về tăng thu cho NSNN và lợi ích cho công bằng về sức khỏe. Đây cũng là cơ hội cho các DN sản xuất thực phẩm cải tiến sản phẩm, giảm hàm lượng đường trong sản phẩm…

Đánh thuế với đồ uống có đường là một chính sách y tế công cộng hiệu quả để giảm tiêu thụ đường dư thừa, hạn chế việc tiêu thụ đồ uống có đường và có thể khiến mọi người lựa chọn những đồ uống thay thế lành mạnh hơn.

Những loại mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật hiện hành

Căn cứ Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 quy định như sau:

Hàng hóa gồm: Thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm; Rượu; Bia; Xe ô tô dưới 24 chỗ, kể cả xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng loại có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125cm3; Tàu bay, du thuyền; Xăng các loại; Điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống; Bài lá; Vàng mã, hàng mã.

A Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang