Cần làm rõ dấu hiệu sử dụng giấy chứng nhận giả mạo để quảng cáo sản phẩm sơn Pencco

author 10:15 22/04/2024

(VietQ.vn) - Nhân viên Tập đoàn Inno Invest có dấu hiệu sử dụng giấy chứng nhận giả mạo để quảng cáo cho sản phẩm sơn Pencco (thuộc Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam).

Xuất hiện giấy chứng nhận giả mạo ghi tên Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam

Vật liệu xây dựng là sản phẩm có tác động lớn đến chất lượng công trình xây dựng, đồng thời là mặt hàng rất dễ bị tấn công bởi vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Để đảm bảo chất lượng công trình, góp phần xử lý hàng giả, bảo vệ quyền lợi cho chính mình, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cần áp dụng tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm cho mặt hàng vật liệu xây dựng mà mình đang sản xuất.

Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu để cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cho ra thị trường nhiều sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và quốc tế. Nhiều doanh nghiệp còn mạnh dạn thay đổi quá trình sản xuất, từng bước áp dụng những tiêu chuẩn tiên tiến với mục tiêu đưa ra thị trường sản phẩm có chất lượng tốt. Kết quả là nhiều doanh nghiệp có sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, được chứng nhận phù hợp với các tiêu chuẩn của Việt Nam và quốc tế, có chỗ đứng trên thị trường.

Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp còn thờ ơ cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nên chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm kém hoặc chất lượng hạn chế. Thậm chí, có doanh nghiệp “thổi phồng” chất lượng sản phẩm để đánh vào tâm lý khách hàng, người tiêu dùng về sản phẩm doanh nghiệp đang cung cấp. Một trong những hành vi hết sức nguy hiểm là việc giả mạo giấy chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy.

 Trụ sở Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam (được ghi trên tài liệu giới thiệu sơn Pencco).

Thời gian qua, toà soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được thông tin về việc có cá nhân sử dụng giấy chứng nhận hợp chuẩn giả mạo trong quá trình tư vấn, quảng cáo, giới thiệu cho khách hàng về sản phẩm sơn Pencco.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Pencco là thương hiệu sơn có nguồn gốc từ Mỹ, thuộc sở hữu của hãng sơn Pencco. Tháng 9/2023, hãng sơn Pencco chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và bổ nhiệm ông Vũ Khánh Toàn vào chức danh Trưởng văn phòng đại diện Pencco tại Việt Nam.

Cũng tại thị trường Việt Nam, Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam (địa chỉ tại KCN Nguyên Khê, xã Nguyên Khê, Huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội) là đơn vị đầu mối giữ vai trò quản lý việc phân phối các sản phẩm sơn Pencco ra thị trường. Pencco đã chỉ định Tập đoàn Inno Invest là đơn phân phối độc quyền của thương hiệu này. Điều này có nghĩa, hiện nay, việc đưa sản phẩm sơn Pencco đến tay đại lý phân phối đều được thực hiện bởi Inno Invest.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mở đại lý phân phối sơn Pencco, phóng viên đã gọi điện tới hotline của Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam để hỏi thông tin về cơ chế, chính sách khi mở đại lý. Ở đầu dây bên kia, một nữ nhân viên bắt máy. Sau khi nghe phóng viên nói về nhu cầu mở đại lý, nhân viên này nói sẽ lưu lại số điện thoại của phóng viên và chuyển cho nhân viên kinh doanh phụ trách địa bàn Hà Nội liên hệ để tư vấn kỹ hơn.

 Sản phẩm sơn Pencco được giới thiệu trên website Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam.

Không lâu sau, một người đàn ông tên Nguyễn V. tự nhận được giao phụ trách địa bàn Hà Nội gọi điện cho phóng viên. Người đàn ông này giới thiệu đang làm việc tại Inno Invest, cũng chính là đơn vị độc quyền phân phối các sản phẩm sơn Pencco tại Việt Nam. Tiếp đó, người này nhiệt tình giới thiệu cho phóng viên cơ chế, chính sách, quyền lợi và trách nhiệm của đại lý phân phối sơn Pencco. Trong buổi trò chuyện, người này liên tục ca ngợi chất lượng sản phẩm sơn Pencco, khẳng định đây là sản phẩm thuộc top đầu thị trường sơn Việt Nam.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập câu hỏi về việc các sản phẩm sơn Pencco đã được chứng nhận hợp quy theo QCVN 16:2019/BXD (nay là QCVN 16:2023/BXD) và QCVN 08:2020/BCT về hàm lượng chì hay chưa thì người đàn ông này tỏ ra bối rối và nói "chắc là có rồi".

Vài hôm sau, qua tin nhắn Zalo, người đàn ông này gửi cho phóng viên một số giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm được cấp cho Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam. Trong đó có giấy chứng nhận ISO 9001: 2008. Theo như hình ảnh giấy chứng nhận do người đàn ông tên V. cung cấp, đơn vị cấp giấy này là Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert) - thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Tuy nhiên, khi xem kỹ giấy chứng nhận, phóng viên phát hiện một số điểm bất thường. Cụ thể, theo quy định, thời hạn giấy chứng nhận hợp chuẩn chỉ có hiệu lực trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, trong giấy chứng nhận người đàn ông tên V. gửi, giấy này có giá trị tới 6 năm.

Một điểm bất thường nữa là thời điểm giấy chứng nhận này có hiệu lực (30/8/2019). Kể từ năm 2015, tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã được ban hành thay thế cho tiêu chuẩn ISO 9001:2008. Vậy tại sao giấy chứng nhận người đàn ông tên V. gửi vẫn được cấp theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008?

Hình ảnh giấy chứng nhận giả mạo do người đàn ông tên V. cung cấp.

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc

Để có thông tin đầy đủ và chính xác nhất, phóng viên đã liên hệ Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert). Sau khi kiểm tra hình ảnh giấy chứng nhận kể trên, đại diện Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (Quacert) khắng định, giấy chứng nhận mà người đàn ông tên V. gửi cho phóng viên là giả mạo.

Câu hỏi đặt ra lúc này là từ đâu mà ông V. có giấy chứng nhận này? Giấy chứng nhận là do Công ty Cổ phần Pencco cung cấp hay tự ông V. làm giả để gửi cho phóng viên (trong vai khách hàng)? Tập đoàn Inno Invest có trách nhiệm liên quan tới vấn đề này hay không?

Để sự việc khách quan, phóng viên đã liên hệ, gửi Giấy giới thiệu tới Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam. Dù đã tiếp nhận Giấy giới thiệu và nội dung phản ánh, tuy nhiên, qua nhiều ngày, phía Công ty Cổ phần Pencco Việt Nam vẫn chưa có phản hồi gì về vấn đề trên.

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị Thanh tra Tổng cục TCĐLCL, Thanh tra Bộ Xây dựng, Tổng cục Quản lý thị trường vào cuộc xác minh, kiểm tra và xử lý vi phạm (nếu có) đối việc sử dụng chứng nhận giả mạo để quảng cáo sản phẩm sơn Pennco.

Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 quy định hành vi bị cấm bao gồm: Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 6 Điều 8); Giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 7 Điều 8); Thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa (Khoản 9 Điều 8).

Khoản 1 Điều 24 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

Khoản 1 Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang