Cần thận trọng khi sử dụng kháng sinh điều trị cho trẻ bị ho
Đẩy mạnh công tác cảnh báo, giảm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Cục Thuế Hà Nội xin lỗi người dân vì cảnh báo lừa đảo nhầm
Cảnh báo hoạt động kinh doanh đa cấp không có giấy chứng nhận của Tập đoàn Bitney
Theo các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, ho là một phản xạ có điều kiện. Phản xạ ho rất có lợi, có tác dụng giúp tống đẩy, loại bỏ các chất nhầy, chất kích kích, virus, vi khuẩn, dị vật ra ngoài đường hô hấp. Nguyên nhân gây ho ở trẻ rất đa dạng, phần lớn các trường hợp ho ở trẻ là do virus. Ngoài nguyên nhân ho do virus thì ho còn gặp ở các bệnh lý khác như: Cảm cúm, viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, ho gà, hen, dị ứng đường hô hấp, do hít phải dị vật hoặc các chất kích thích như khói thuốc lá, bụi, phấn hoa, lông vật nuôi…
Ho có thể chia thành 2 nhóm: Ho khan (không có chất nhầy) và ho có đờm (có chất nhầy). Ho có đờm là phản xạ ho giúp làm thông thoáng đường thở. Ho cấp tính như trong trường hợp viêm mũi họng, hoặc mạn tính như trong trường hợp dị ứng. Ho thường không dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, ho có đờm có thể dẫn đến nôn mửa. Ho không kiểm soát được có thể khiến trẻ mệt mỏi, sụt cân, đặc biệt ho về đêm làm rối loạn giấc ngủ của trẻ. Nhiều trường hợp ho có thể tự khỏi mà không cần điều trị như ho do hít phải các chất kích thích, ho sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, hoặc ho do không khí quá khô và nóng gây kích ứng niêm mạc họng, cơn ho này sẽ nhanh chóng khỏi, chỉ cần thông mũi và cho trẻ uống nước ấm…
Sử dụng thuốc kháng sinh không phải là giải pháp ưu tiên khi trẻ bị ho do nhiễm virus vì kháng sinh không có tác dụng điều trị với virus. Ảnh minh họa
Tác dụng phụ của việc sử dụng kháng sinh điều trị cho trẻ bị ho
Các tác dụng phụ khi dùng thuốc ho kháng sinh cho trẻ có thể bao gồm phát ban, phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày. Hãy chắc chắn rằng cha mẹ cho bác sĩ của trẻ biết nếu trẻ đã từng bị phản ứng với thuốc kháng sinh trong quá khứ. Đôi khi phát ban sẽ xuất hiện trong thời gian trẻ đang dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, không phải tất cả phát ban đều được coi là phản ứng dị ứng. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát khi cho trẻ uống kháng sinh trị ho và báo với bác sĩ của trẻ ngay nếu thấy phát ban giống như nổi mề đay - đây có thể là một phản ứng dị ứng. Nếu trẻ bị dị ứng gây phát ban ngứa hoặc nổi mề đay, điều này sẽ được ghi trong hồ sơ bệnh án của trẻ để lưu ý cho việc dùng thuốc trong tương lai.
Ngoài ra, thuốc kháng sinh cũng có nhiều rủi ro khác đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Chính tác dụng phụ của thuốc kháng sinh khi sử dụng bừa bãi mới là lý do phổ biến khiến trẻ phải đến phòng cấp cứu mà không phải do bệnh lý. Nhiều thuốc kháng sinh trị ho có thể gây tiêu chảy hoặc nôn mửa và khoảng 5 trong số 100 trẻ em bị dị ứng với chúng. Một số phản ứng dị ứng này có thể nghiêm trọng và đe dọa tính mạng. Mặt khác, việc lạm dụng thuốc nói chung và lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ khuyến khích các chủng vi khuẩn thay đổi, do đó thuốc sẽ không hoạt động hiệu quả để loại bỏ chúng (gọi là tình trạng kháng thuốc kháng sinh). Khi vi khuẩn kháng lại các loại thuốc được sử dụng để điều trị chúng, bệnh nhiễm trùng không chỉ không kiểm soát được mà sẽ còn dễ dàng lây rộng hơn. Các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh cũng đắt hơn và khó chữa hơn. Như vậy, nếu trẻ bị nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh, có thể cần một loại kháng sinh đặc biệt; đôi khi, những loại thuốc này cần được truyền qua đường tĩnh mạch và thực hiện trong bệnh viện.
Nên sử dụng thuốc kháng sinh trị ho cho trẻ như thế nào?
Việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị ho ở trẻ chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ sau khi xác định nguyên nhân gây ho là do vi khuẩn như viêm họng, viêm phổi, viêm mũi… Sử dụng thuốc kháng sinh không phải là giải pháp ưu tiên khi trẻ bị ho do nhiễm virus vì kháng sinh không có tác dụng điều trị với virus. Ví dụ trẻ bị cảm lạnh hay cảm cúm do virus rhinovirus, influenza, virus hợp bào hô hấp (RSV)… thì việc sử dụng kháng sinh không giúp làm giảm ho cho trẻ.
Sử dụng kháng sinh khi không cần thiết sẽ gây ra nhiều vấn đề khác cho sức khỏe của trẻ, bao gồm:
Kháng kháng sinh: Vi khuẩn có thể trở nên kháng kháng sinh, làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm trùng trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
Rối loạn tiêu hóa: Trẻ có thể bị tiêu chảy, buồn nôn, đau bụng… Lạm dụng kháng sinh còn gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột.
Dị ứng: Một số trẻ có nguy cơ bị dị ứng thuốc kháng sinh có thể gây sốc phản vệ rất nguy hiểm. Đây là tình huống khẩn cấp và cần ngay lập tức đưa trẻ đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để tiếp nhận cấp cứu và điều trị.
Nếu trẻ bị ho và phụ huynh bị lo lắng về tình trạng sức khỏe của trẻ, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và chẩn đoán chính xác. Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có cần sử dụng kháng sinh hay không dựa trên triệu chứng và kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng của trẻ. Khi bác sĩ đã kê đơn thuốc kháng sinh cho trẻ, cha mẹ cần phải thực hiện đúng hướng dẫn và đảm bảo tuân thủ liều lượng và lịch trình uống thuốc.
Khánh Mai (t/h)