Cẩn thận với kháng sinh tồn dư trong gà thải

author 16:58 25/09/2012

(VietQ.vn) - Gà đẻ công nghiệp, trong đó có gà nhập từ các nước, đặc biệt là gà nhập lậu từ Trung Quốc, được nuôi lấy trứng sau một năm đến một năm rưỡi sẽ bị các trại thải ra để nhập đàn mới. Do thời gian nuôi lâu nên lượng kháng sinh tồn dư trong gà là rất cao, nếu ăn vào sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe…

Gà thải được bán phổ biến ở các chợ với mác "gà ta"

“Tù mù” gà ta hóa ra… gà thải

Trước thông tin gà thải được tiêu thụ phổ biến trên thị trường, nhiều bà nội trợ tỏ ra lo ngại, không biết nguồn gà từ đâu và liệu ăn vào có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?

Chị Hồng Nga, trú tại Ô Chợ dừa, Hà Nội cho biết, thông tin trên thị trường xuất hiện loại gà thải được các tiểu thương quảng cáo là gà ta khiến chị không khỏi lo lắng về chất lượng của chúng. “Không biết gà này ở đâu ra, nghe nói gà đã bị thải liệu người tiêu dùng ăn có bị làm sao không?”, chị Nga nói.

Chị Ngân, một người kinh doanh gà thịt lâu năm tại chợ Nghĩa Tân cho biết, thời gian gần đây không hiểu gà giá rẻ từ đâu nhập về chợ khá nhiều, chủ yếu được các hộ bán lẻ ở các chợ di động. “Họ cứ nói là gà ta để bán với giá cao, chứ tôi là người trong nghề nên biết nguồn gà ta xịn rất hạn chế, thậm chí để có nguồn ổn định để bán tôi còn phải đặt hàng tại các tỉnh Hưng Yên, Phú Thọ cả năm, giờ thấy gà ồ ạt tràn chợ thì chắc chắn không phải gà ta xịn”, Chị Ngân cho biết.

Theo anh Tiến, chủ đầu mối cung cấp gà cho tiểu thương tại các chợ, loại gà này thịt chắc, dai, giá lại rẻ nên được nhiều người mua về giết mổ rồi bán ra chợ với giá gà ta, rất nhiều người tiêu dùng nhầm tưởng gà "xịn".

Khảo sát qua một số quán ăn tại Hà Nội, loại gà thải này được nhiều chủ quán ăn mua về kinh doanh, thậm chí các cơ sở chuyên dịch vụ nấu tiệc đám cưới cũng nhập  về chế biến để giảm giá thành.

Theo cơ quan thú y TP.HCM, tình trạng tẩm màu gà bán trên thị trường vẫn chưa thấy giảm. Trong đó, phần lớn là dùng màu công nghiệp để ngâm tẩm, loại màu này ngấm sâu vào da, thậm chí vào đến thịt bên trong. Nếu người tiêu dùng ăn thường xuyên, chất độc tích tụ lâu ngày, rất dễ mắc bệnh ung thư.

“Nguồn gà thải này khi đến chợ được tẩm ướp màu vàng ươm để giả thành gà ta, bán với giá cao từ 70.000 đồng - 90.000 đồng/kg (trong khi gà ta thật phải từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg)”, chủ đầu mối này cho biết.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng loại gà được tiểu thương bán với giá rẻ là gà đẻ thải còi cọc từ Trung Quốc tuồn sang Việt Nam. Mỗi ngày có hàng chục xe tải, mỗi xe chở hơn 2 tấn. Những xe này còn được bao với giá 5 triệu đồng/xe để vận chuyển vào địa phận Hà Nội. Cũng theo ông Vang, giá gà đẻ thải này rất thấp, chưa tới nửa giá so với gà công nghiệp nuôi trong nước.

Hiện, chất lượng loại gà này chưa được kiểm chứng, nhưng lại đang tiêu thụ rất mạnh trên thị trường.

Người tiêu dùng lãnh đủ

Thông tin từ cơ quan thú y TP.HCM cho biết, qua kiểm tra tại các lò giết mổ gia cầm trái phép đều phát hiện lượng lớn gà đẻ thải để cung cấp ra các chợ. Các cơ sở giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia cầm có giấy phép cũng thu mua gà đẻ công nghiệp thải ra từ các trại chăn nuôi với giá chưa tới 50.000 đồng/kg, để giết mổ, đóng gói bán ra thị trường với giá gần cả trăm ngàn đồng/kg. Điều đáng nói là sau khi đóng gói, thông tin trên bao bì không rõ ràng; nào là gà ta đi bộ, gà đẻ trứng… gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Gà thải cũng được các  quán ăn "phù phép" thành gà ta xịn để bán giá cao

Ngoài ra, gà ác công nghiệp nuôi để lấy trứng gần đây được nhiều người nuôi với số lượng khá lớn, lượng gà đẻ thải ra cũng tăng lên rất nhiều nên giá bán tại các trại cũng giảm, chỉ còn hơn 40.000 đồng/kg. Nguồn gà ác thải ra này chủ yếu được các quán ăn tiềm thuốc bắc thu mua.

Bác sĩ Trần Văn Ký - Phụ trách chuyên môn văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho biết gà đẻ công nghiệp được lấy trứng từ một năm đến một năm rưỡi, lúc này tỉ lệ đẻ trứng sụt giảm cũng như trứng không còn to nên được các trại thải ra để nhập đàn mới.

Do nuôi lấy trứng nhiều năm nên lượng kháng sinh tồn dư trong gà đẻ là rất cao. “Gà nuôi công nghiệp phải thường xuyên bơm kháng sinh để phòng ngừa dịch bệnh. Đối với gà công nghiệp, nuôi lấy thịt mất 45 ngày nên lượng tiêm kháng sinh dồn dập, cứ cách 5-7 ngày là bơm một lần với liều cao. Còn gà đẻ, do lo ngại về tỉ lệ đẻ trứng nên người nuôi không dám bơm dồn dập mà phải cách 2 tuần mới bơm một lần. Tuy nhiên, thời gian nuôi lâu đến hơn một năm nên lượng kháng sinh tồn dư trong gà đẻ rất cao, có thể gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng”, bác sỹ Ký cho biết.

Nguy hiểm hơn, nguồn gà đẻ thải không chỉ nhiễm kháng sinh mà còn bị nhiễm vi sinh, gây hại đến hệ tiêu hoá, gây nôn mửa, đau đầu chóng mặt, thậm chí còn có nguy cơ gây dịch bệnh nguy hiểm.

Ngoài ra, người chăn nuôi còn sử dụng phẩm màu trộn vào thức ăn để gà đẻ trứng có lòng đỏ đậm cho giống với trứng gà ta. Trường hợp sử dụng phẩm màu được chiết xuất từ thiên nhiên (hoa cúc, vạn thọ) thì không ảnh hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế không ít nhà sản xuất thức ăn, người chăn nuôi đã đưa phẩm màu công nghiệp (trong đó có chất tạo màu sudan rất độc hại) để hạ giá thành.

“Phẩm màu công nghiệp có nhiều tạp chất, kim loại nặng, nếu ăn phải thực phẩm có chứa màu công nghiệp tích tụ lâu ngày sẽ mắc nhiều chứng bệnh ung thư rất nguy hiểm”, bác sỹ Ký cảnh báo.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang