Cần xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh quần áo không rõ nguồn gốc

author 06:10 28/06/2022

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk vừa phát hiện cơ sở rao bán lượng lớn quần áo trên Facebook nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh, hàng hoá có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đó, Tổ công tác Thương mại điện tử phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (đều thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk) tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên mạng xã hội Facebook (phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột). Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở hoạt động dưới hình thức là hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh (theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp).

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở đang kinh doanh hàng ngàn sản phẩm quần, áo các loại có dấu hiệu là hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Toàn bộ số quần áo không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng thu giữ. 

Hiện này, hàng hóa được rao bán trên các trang mạng xã hội ngày một phong phú, đa dạng, phục vụ khách hàng tới tận cửa nhà. Không phủ nhận tiện ích của chợ mạng nhưng nơi đây lại đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán trà trộn với hàng thật. Khảo sát tại một số sàn thương mại điện tử có tiếng tại Việt Nam hiện nay, các loại hàng như quần áo… được rao bán tràn ngập như ma trận, không ít sản phẩm được bán với giá rẻ không tưởng.

Thời gian qua, nhiều vụ việc bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái thương hiệu nổi tiếng qua hình thức bán hàng online đã bị lực lượng chức năng triệt phá. Theo Bộ Công thương, hiện nay, tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên website, sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội... đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến môi trường kinh doanh chung, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2021, lực lượng Quant lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra khoảng 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.

Nhìn nhận thương mại điện tử là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ, nhưng theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, đây lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong khoảng 2-3 năm tới, tỉ lệ gian lận thương mại trên thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng cần tỉnh táo, tìm mua sản phẩm đúng hãng, được cấp phép, tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên các trang mạng…

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Chính phủ, những trường hợp cung cấp thông tin, kinh doanh hoặc buôn bán hàng giả, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh trên môi trường internet sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng với cá nhân vi phạm.

Tùy nội dung từng hành vi có thể áp dụng tình tiết tăng nặng hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi tên miền hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Các quy định mới với mức chế tài cao hơn được kỳ vọng chấn chỉnh tình trạng bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, một phần do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc mua sắm hàng qua mạng phát triển mạnh đã khiến tình trạng này không những giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát.

An Nguyên (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang