Cảnh báo - Kiểm tra giấy tờ tại các chốt dù đeo găng tay vẫn có nguy cơ lây Covid-19

author 16:18 11/08/2021

(VietQ.vn) - Theo chuyên gia y tế, việc kiểm tra giấy tờ người đi đường trong những ngày giãn cách tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm Covid-19 kể cả lực lượng chức năng đã dùng gay tay.

Theo ghi nhận của VOV, trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, siết chặt kiểm soát người ra đường không có lý do chính đáng, không khó để bắt gặp tình trạng người dân ùn ứ tại các điểm chốt kiểm soát dịch. Tại đây, lực lượng chức năng yêu cầu người dân đưa ra những giấy tờ chứng minh lý do ra đường chính đáng. Tuy nhiên, với các chuyên gia y tế, thời điểm kiểm tra giấy tờ thủ công này cũng mang nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, kể cả khi lực lượng chức năng có dùng găng tay.

Phân tích cụ thể vấn đề trên, BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, mầm bệnh nằm trong các giọt bắn và khi bám vào giấy tờ, các bề mặt thô ráp thì virus có thể tồn tại lâu hơn, với khoảng từ 2-3 tiếng. Nguyên tắc chung là nếu tiếp xúc gần và lâu với người mang mầm bệnh, không giữ được khoảng cách thì sẽ có nguy cơ lây bệnh.

Khuyến cáo cụ thể biện pháp phòng bệnh trong hoàn cảnh này, BS Hà nhấn mạnh việc người dân chấp hành nghiêm các quy định trong thời gian giãn cách xã hội. Không có việc cần thiết thì không ra khỏi nhà, theo đó, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bản thân, vừa giảm khối lực công việc cho các tổ kiểm soát dịch.

 Các chuyên gia cảnh báo dù mặc áo mưa, đi găng tay vẫn có thể lây nhiễm Covid-19 tại các điểm chốt. Ảnh: VOV

BS Hà tiếp tục khuyến cáo: "Điều quan trọng là phải đeo khẩu trang y tế, không phải khẩu trang vải. Lực lượng chức năng và người dân luôn phải có dụng cụ sát khuẩn nhanh bên cạnh, để sát khuẩn tay sau khi kiểm tra giấy tờ. Kể cả khi sử dụng găng tay mầm bệnh vẫn có thể bám ở bề mặt, do vậy nước sát khuẩn nhanh rất cần thiết".

Cũng đề cập vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, việc Hà Nội đưa ra phương án siết chặt kiểm soát giấy đi đường là do đợt giãn cách xã hội trong 14 ngày đầu, người dân vẫn đi lại nhiều, đường phố vẫn đông. Từ đó, xuất hiện nguy cơ mất an toàn, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

“Hạn chế người dân ra đường là điều cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp như hiện nay”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt tại các chốt đã khiến nhiều người lo ngại về vấn đề đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, Hà Nội cần có cách làm phù hợp để vừa hạn chế người ra đường vừa hạn chế các nguy cơ lây lan.

Trong diễn biến liên quan tới tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 11/8, Việt Nam có 232.937 ca nhiễm trong đó có 2.377 ca nhập cảnh và 230.560 ca nhiễm trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 228.990 ca, trong đó có 77.574 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Có 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang