Người được điều trị khỏi COVID-19 nên thường xuyên đi khám tim

author 06:39 11/08/2021

(VietQ.vn) - Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra được bệnh COVID-19 không chỉ làm tổn hại hệ hô hấp của người bệnh mà còn gây ảnh hưởng nặng tới nhiều cơ quan khác như tim.

Các báo cáo y tế về bệnh nhân hồi phục sau nhiễm COVID-19 cho thấy đang có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng người gặp phải các vấn đề về tim lâu dài như đau ngực, đánh trống ngực đột ngột, đau tim, sưng tim, suy tim, công suất bơm thấp, đông máu, và rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường).

Giải thích về các vấn đề liên quan đến tim sau COVID-19, các bác sĩ tại Trung tâm chẩn đoán và Phòng thí nghiệm bệnh lý Apollo Diagnostics, thành phố Pune (Ấn Độ), cho biết các vấn đề về tim ngừng hoạt động do mức độ viêm nhiễm cao trong cơ thể của một người. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại virus, quá trình viêm sẽ phá hủy các mô khỏe mạnh cùng với tim. 

 Những bệnh nhân mắc Covid-19 cũng sẽ bị ảnh hưởng đến hệ tim mạch

Theo Tiến sĩ Pramod Narkhede, Bác sĩ Tim mạch, Phòng khám Apollo, Pune, nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 bị đau ngực, viêm cơ tim, đau tim, suy tim, đông máu, rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường), và đánh trống ngực. "Những vấn đề này có thể được phát hiện sau nhiều tháng hồi phục COVID-19. Người ta quan sát thấy 78 trong số 100 bệnh nhân dương tính với COVID-19 đã báo cáo các triệu chứng tổn thương tim và viêm, chủ yếu là ở người trẻ và bệnh nhân cao tuổi", ông Narkhede chia sẻ.

Được biết, khó thở, đau ngực hoặc đánh trống ngực có thể liên quan đến tim, nhưng chúng cũng có thể do các yếu tố khác, bao gồm hậu quả của việc ốm nặng, không hoạt động kéo dài và dành nhiều thời gian dưỡng bệnh trên giường.

Tiến sĩ Narkhede cũng nhấn mạnh thêm khoảng 6 trong số 10 bệnh nhân được thăm khám tại OPD đang có các triệu chứng tim hậu COVID-19. Họ là những người không có các vấn đề về tim từ trước. Các vấn đề này cần được giải quyết và can thiệp sớm nhất. Những người có tiền sử bệnh tim cũng nên thận trọng, dùng thuốc thường xuyên và theo dõi. Thường xuyên kiểm tra và chăm sóc y tế khi có dấu hiệu hoặc triệu chứng ban đầu có thể ngăn ngừa các biến chứng gây chết người.

Với hiện tượng này, các chuyên gia y tế khuyến cáo các bệnh nhân COVID-19 sau khi được điều trị khỏi nên chú ý tới sức khỏe tim mạch và thường xuyên đi kiểm tra tim mạch định kỳ sau mỗi 6 tháng.

Bên cạnh đó, những đối tượng hồi phục hậu COVID-19 cũng nên tạo thói quen ăn uống lành mạnh bà đầy đủ dưỡng chất, tránh các món ăn 'độc hại' với sức khỏe như các món cay, món ăn nhiều dầu mỡ, đồ chế biến sẵn, chất ngọt nhân tạo, đồ ăn nhanh,.... Đồng thời, hạn chế uống rượu và hút thuốc cũng là một trong những lưu ý hàng đầu cho các đối tượng này.

Ngoài ra, một chế độ rèn luyện thân thể thông qua các bài tập vận động thường ngày cũng là điều cần thiết để duy trì và đảm bảo sức khỏe sau khi trải qua cơn bạo bệnh. Ngoài các triệu chứng liên quan tới bệnh tim, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo những người được điều trị thành công sau khi mắc COVID-19 nên chú ý tới mọi thay đổi bất thường trong cơ thể và thăm khám kịp thời để được các chuyên gia y tế đánh giá tình trạng sức khỏe và kịp thời nắm bắt các vấn đề nghiêm trọng sớm nhất.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang