Cảnh báo không nên lạm dụng thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp mùa dịch Covid-19

author 13:41 22/09/2021

(VietQ.vn) - Thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh được cho là tiện lợi nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng cần tránh lạm dụng nhất là trong mùa dịch.

Các chuyên gia dinh dưỡng không phủ nhận giá trị dinh dưỡng của loại thực phẩm như đồ hộp, thức ăn nhanh song cũng cảnh báo, nếu lạm dụng trong mùa dịch để găm, tích trữ sử dụng dần sẽ khá nguy hiểm, vì chúng chứa lượng muối cao, gây ra tác hại xấu với sức khỏe người dùng.

Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) cho hay, thức ăn nhanh, đồ hộp, mì tôm chứa lượng muối lớn, nếu sử dụng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, đặc biệt là đột qụy và nhồi máu cơ tim.

Bên cạnh đó, khi cơ thể tiêu thụ lượng muối lớn, hệ thống tim mạch, thận và tiết niệu sẽ phải tăng cường độ làm việc, có thể dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này, như suy tim, suy thận.

 Nguy cơ từ thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh cần tránh lạm dụng mùa dịch. Ảnh minh họa

Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn thực phẩm chứa nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, ăn thừa muối làm tăng nguy cơ béo phì do tăng cảm giác khát và tăng tiêu thụ các đồ uống, nhất là các loại nước ngọt, làm tăng tình trạng giữ nước và phù, đặc biệt ở bệnh nhân suy tim và xơ gan.

Chưa kể, khi ăn thừa muối, cơ thể sẽ tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi, khoáng chất. Từ đó, có thể gây loãng xương, sỏi thận và các rối loạn khác do mất các khoáng chất. Với trẻ em, chế độ ăn nhiều muối cũng ảnh hưởng tới huyết áp và làm tăng khả năng mắc tăng huyết áp cũng như các bệnh khác. Tăng huyết áp ở trẻ em còn để lại hậu quả tăng huyết áp khi trưởng thành cũng như tăng nguy cơ biến chứng của tăng huyết áp do mắc bệnh sớm, làm thời gian mắc bệnh kéo dài.

Ngoài ra, ăn thừa muối có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng, tăng nguy cơ ung thư dạ dày do phá hủy lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, tăng sự phát triển của vi khuẩn helicobacter pylori (HP).

Ngoài việc chứa lượng muối lớn, nếu thực phẩm đóng hộp không được xử lý tốt, sẽ tồn tại vi khuẩn yếm khí clostridium botulinum gây ngộ độc nghiêm trọng khi ăn phải. Thực tế thời gian vừa qua, tình trạng ngộ độc clostridium botulinum đã xảy ra tại KomTum, Bình Dương và đã có ca tử vong.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn clostridium botulinum, sinh độc tố botulinum.

Ngoài ra, thực phẩm đóng hộp thường được cho là ít dinh dưỡng hơn là thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh, nhưng nghiên cứu cho thấy điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, việc đóng hộp có thể bảo quản hầu hết các chất dinh dưỡng của thực phẩm. Protein, carbs và chất béo cũng không bị ảnh hưởng bởi quá trình này. Hầu hết các khoáng chất và vitamin tan trong chất béo như vitamin A, vitamin D, vitamin E và vitamin K cũng được giữ lại trong thực phẩm. Do đó, các nghiên cứu cho thấy rằng thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất định sẽ duy trì mức dinh dưỡng cao sau khi được đóng hộp.

Tuy nhiên, vì việc đóng hộp thực phẩm có giai đoạn gia nhiệt để bảo quản nên các vitamin tan trong nước như vitamin C và vitamin B có thể bị hỏng. Các vitamin này nói chung rất nhạy cảm với nhiệt và không khí, vì thế mà chúng cũng có thể bị mất trong quá trình chế biến, nấu nướng và bảo quản thông thường được sử dụng tại nhà.

Bên cạnh đó trong khi quá trình đóng hộp có thể làm hỏng một số vitamin nhất định, lượng hợp chất lành mạnh khác có thể tăng lên. Ví dụ, cà chua và ngô sẽ giải phóng nhiều chất chống oxy hóa hơn khi đun nóng, làm cho các loại thực phẩm đóng hộp này trở thành nguồn chất chống oxy hóa tốt hơn.

Nguy hiểm hơn, thực phẩm đóng hộp còn có thể chứa một lượng nhỏ BPA (bisphenol-A). Đây là một hóa chất thường được sử dụng trong bao bì thực phẩm, bao gồm cả đồ hộp. Các nghiên cứu cho thấy rằng BPA trong thực phẩm đóng hộp có thể di chuyển từ lớp lót của đồ hộp vào thực phẩm chứa trong đó. Một nghiên cứu đã phân tích 78 loại thực phẩm đóng hộp và tìm được BPA trong hơn 90% trong số đó. Hơn nữa, nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng ăn thực phẩm đóng hộp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến phơi nhiễm BPA.

Trong một nghiên cứu trên quy mô lớn gần đây, những người tham gia tiêu thụ 1 phần súp đóng hộp hàng ngày trong 5 ngày đã làm tăng hơn 1.000% mức BPA trong nước tiểu của họ. Mặc dù các bằng chứng còn chưa rõ ràng, nhưng một số nghiên cứu trên người đã liên kết BPA với các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, tiểu đường loại 2 và rối loạn chức năng tình dụ của nam giới. Nếu bạn đang cố gắng giảm thiểu việc tiếp xúc với BPA, ăn nhiều đồ hộp không phải là ý tưởng tốt nhất.

Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn mang lại giá trị dinh dưỡng, tiện lợi trong cuộc sống hiện đại ngày nay, do vậy, không chuyên gia nào khuyên người tiêu dùng loại bỏ hay ứng xử cực đoan với các sản phẩm này, nhưng cần hạn chế, không nên lạm dụng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang